• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…

Nhà nước chưa định giá sách giáo khoa

Chính phủ đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý.

Chiều 14/7, cho ý kiến về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói "Thường vụ Quốc hội không làm việc không đúng thẩm quyền".

Bà Ngân đề nghị Chính phủ đánh giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới tăng thêm bao nhiêu tiền, ảnh hưởng đến đời sống người dân như thế nào. "Hiện chưa có đánh giá tác động nhưng lại đưa ra chính sách mới, trong khi luật không giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bà Ngân nói.

Khẳng định việc Nhà nước định giá tối đa với sách giáo khoa là cần thiết để không ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhân dân, nhưng bà Ngân cho rằng vấn đề này "chưa phải bức bách lắm". Báo cáo của Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho thấy sách giáo khoa lớp 1 đã được các Nhà xuất bản in, địa phương lựa chọn xong và phụ huynh chuẩn bị mua. Giá mỗi bộ sách tối thiểu 177.000 đồng, tối đa 199.000 đồng. Hộ nghèo, người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc tạo điều kiện hỗ trợ mỗi học sinh nghèo 200.000 đồng một năm học không phải là quá lớn. Vì vậy, sách giáo khoa lớp 1 năm nay chấp nhận giá thẩm định, ai khó khăn thì hỗ trợ. "Đề nghị Chính phủ khi sửa Luật giá thì đưa giá sách giáo khoa vào hàng hóa Nhà nước được định giá khung tối đa", bà nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Quốc hội ra nghị quyết hoặc sửa Luật giá. "Chặng đường này dài và tác động lớn, thậm chí phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền chứ không nên vội vã", ông Hiển nói.

Một số cuốn sách trong bộ Cánh diều. Ảnh: Dương Tâm

Một số cuốn sách trong bộ Cánh diều. Ảnh: Dương Tâm.

Trước đó trình bày tờ trình, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội với nhiều ưu điểm như thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia giỏi làm sách, nhiều nhà xuất bản tham gia in ấn, không còn độc quyền. Tuy nhiên, về lâu dài, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản sẽ xuất hiện thông qua điều tiết giá, hoặc một số nhà xuất bản có thể tự định giá ở mức cao.

Trong môi trường cạnh tranh về giá, do tác động của nhiều yếu tố như chi phí tuyên truyền quảng cáo, sản lượng in thấp, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, giá thành sách giáo khoa sẽ dần tăng lên. Mặt khác, theo Nghị quyết 88/2014, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới do nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, in ấn, phát hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.

"Quy định của Luật giá thì sách giáo khoa không thuộc danh mục hành hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá mà thuộc danh mục kê khai giá, trong khi đây là một trong những thiết bị giáo dục thiết yếu. Nhà nước không điều tiết được giá có thể ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là đối tượng yếu thế", bà Mai nói.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thành viên Ủy ban có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất nêu trên. Nhiều người cho rằng việc Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa là chưa phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 88 và trái với nguyên tắc thị trường.

"Để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá thành", ông Hải nói.

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học sách giáo khoa mới do hiệu trưởng các trường lựa chọn trong số sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hiện học sinh cả nước dùng một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số sách Công nghệ giáo dục tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại.

Hoàng Thùy (Vnexpress.net.vn)

Viết bình luận


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng