• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…

Kêu cho vui

Trong những ngày gần đây, NXB Kim Đồng, đơn vị đang chiếm thị phần lớn nhất trong việc xuất bản các ấn phẩm dành cho độc giả nhỏ tuổi, đã lên tiếng “kêu cứu” nhờ  các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý báo chí truyền thông, các nhà xuất bản cùng lên tiếng, chung tay đẩy lùi nạn sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng. 

Theo NXB Kim Đồng, từ năm 2004, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, thì đơn vị này cùng nhiều NXB khác đã chung tay thực thi Công ước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền của các tác giả sáng tạo - được kiểm soát việc xuất bản các tác phẩm nghệ thuật của mình và nhận nhuận bút cho tài năng, công sức, cho dù các tác phẩm được xuất bản ở quốc gia nào trên thế giới… Song 16 năm qua, ngành xuất bản vẫn đang phải gặp nạn với sách giả, sách lậu.

Trước đây, sách giả - sách lậu trà trộn với sách thật, bày bán tại các cửa hàng, sạp báo nhỏ lẻ hoặc xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa. Nay, sách giả, sách lậu được bán công khai, cung cấp trên toàn quốc qua hệ thống bán lẻ online (các trang điện tử hay mạng xã hội). Người bán sách lậu sử dụng tài khoản ảo trên các mạng xã hội để bán sách giả, sách in lậu với mức giá các nhà xuất bản chân chính không thể cạnh tranh nổi. Họ ngang nhiên sử dụng hình ảnh sách thật của NXB để quảng cáo lừa người mua. Trong khi, người mua nhìn ảnh sách thật và bị hấp dẫn bởi chiết khấu quá cao, giá bán rẻ mà đăng ký mua để nhận được sản phẩm giả. Câu chuyện về sách giả, sách lậu đối với ngành xuất bản không phải là mới. Nó đã tồn tại lâu đến nhức nhối trong lĩnh vực xuất bản nói riêng và văn hóa nói chung. Trong nhiều hội chợ sách quốc tế, việc sách lậu trong nước tràn lan cũng khiến các đối tác quốc tế ngần ngại khi ký thỏa thuận mua - bán bản quyền.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số đơn vị làm sách đã từng đồng loạt công bố danh sách hơn 30 fanpage đang công khai rao bán sách giả, sách lậu trên mạng xã hội Facebook, với đủ “chiêu” chèo kéo bạn đọc từ “xả kho” đến chiết khấu “khủng”, quà tặng đi kèm… Song, đã nhiều tháng trôi qua, vẫn thấy các địa chỉ như  Kho sách, Kho sách của bạn, Mọt sách Hà Nội, Mọt sách BookStore… vẫn tiếp tục tồn tại với những quảng cáo đầy hấp dẫn. 

Sách lậu đang làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của các tác giả chân chính. Sách lậu gặm nhấm, mài mòn sức lực từng biên tập viên, từng họa sĩ minh họa, chế bản, trình bày, người phụ trách in ấn. Đại nạn sách lậu đã tồn tại lâu đến nhức nhối trong lĩnh vực xuất bản nói riêng và văn hóa nói chung, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành xuất bản nước nhà với các đối tác quốc tế. Bạn đọc thì mất tiền mà không được tiếp cận với các tác phẩm được đầu tư lớn cả về nội dung lẫn hình thức. Hơn nữa, chính họ bị “lừa” trở thành người tiếp tay cho kẻ vi phạm pháp luật.

Liên quan tới vấn nạn này, lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết,  cơ quan này đang tập hợp kiến nghị của các NXB, nhà sách bị xâm hại về quyền lợi để gửi báo cáo tới đơn vị chức năng liên quan để phối hợp tìm cách xử lý. “Song đây vẫn là cuộc chiến lâu dài. Việc đấu tranh với nạn sách giả, sách lậu cần có sự chung tay của toàn xã hội...” - vị lãnh đạo cục này nhấn mạnh. 

Vẫn biết, muốn chống sách giả, sách in lậu thì sách thật cần phải có những cái bắt tay thật chặt giữa các NXB, đơn vị làm sách, cơ quan chức năng và cả chính sự thông thái, tôn trọng sách thật của bạn đọc… Tất nhiên, cuộc chiến này sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều, song nếu không thực sự quyết liệt thì không thể mong một ngày tình hình có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực.

MAI AN (Sggp.org.vn)

Viết bình luận


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng