• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…

Đổi mới để hút thêm độc giả

Làm thế nào thu hút thêm độc giả đến các nhà sách truyền thống trong thời kỳ công nghệ số, từng là câu hỏi thôi thúc nhiều chủ nhà sách ở Trung Quốc phải tìm đến hướng đi mới mẻ hơn. 

Nhà sách Đại Ẩn ở Thượng Hải

Nhà sách Đại Ẩn ở Thượng Hải

Vào những năm trước, khi thời kỳ ebook bùng nổ, hàng loạt hiệu sách truyền thống ở Trung Quốc buộc phải đóng cửa vì ế ẩm. Nhiều đầu sách tồn kho không tiêu thụ được, độc giả ngày càng thưa thớt khiến các hiệu sách có nguồn kinh phí nhỏ và thậm chí là các nhà sách nổi tiếng cũng ngậm ngùi chia tay bạn đọc. Truyền thông Trung Quốc lúc bấy giờ đã rộ lên các chủ đề thảo luận về việc phải chăng các hiệu sách truyền thống đã đến hồi thoái trào, hay đây là bi kịch tất yếu của thời hiện đại. 
Rồi cũng đến lúc các chủ nhà sách nhận thấy phải mạo hiểm thay đổi để giữ chân độc giả. Nhưng làm sao để cạnh tranh với ebook hay các cửa hàng sách trên mạng sẵn sàng đem sách đến tay độc giả chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Nhận thấy ưu điểm của những cuốn sách in vẫn nằm ở chất lượng và quan trọng nhất là cảm nhận của độc giả, các  nhà sách truyền thống ở Trung Quốc đã mở thêm các cửa hàng sách trên mạng hoạt động song song với hiệu sách, kết nối bạn đọc thông qua ứng dụng mượn sách để khách dễ chọn lựa hơn. Ngoài biện pháp này, những nhà sách có kinh phí hoạt động ổn định đã quyết định thay đổi không gian đọc sách để bắt mắt hơn. Nhà  sách Thanh Quốc ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô là ví dụ sinh động nhất.
Tận dụng lợi thế có địa điểm đặt tại một hoa viên có cây cối rợp bóng mát, chủ nhà sách đã trang trí lại hiệu sách với các không gian riêng, như chỗ thư giãn đọc sách, quán cà phê, phòng tổ chức sự kiện và phòng triển lãm nghệ thuật. Ngoài những độc giả trung thành, khách hàng chọn Thanh Quốc ban đầu chỉ do cảm giác thích khám phá, rồi dần dần họ lại có cảm hứng với những đầu sách xếp ngay ngắn trên kệ và không ngần ngại chọn vài cuốn mang về. Với cách kinh doanh hiệu quả này, năm ngoái Thanh Quốc đã có nguồn doanh thu ổn định.  
 Nói về câu chuyện đổi mới không gian văn hóa đọc, không thể không nhắc đến hệ thống nhà sách quốc doanh nổi tiếng Tân Hoa. Với hệ thống các cửa hàng sách ở nhiều thành phố lớn, Tân Hoa cũng có thời điểm phải chật vật cạnh tranh duy trì lượng khách hàng đến các cửa hàng thời kỳ thương mại điện tử bùng nổ ở Trung Quốc. Các nhà quản lý Tân Hoa cũng lựa chọn giải pháp thay đổi thiết kế nhà sách để thu hút. Điển hình là ở nhà sách Tân Hoa ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Ở đây, các không gian riêng dành cho đọc sách và thư giãn được sắp xếp lại với cách bài trí bắt mắt hơn nhờ hệ thống đèn hiện đại. Nhờ đó mà hiệu sách đã lọt vào danh sách một trong những nhà sách đẹp nhất ở Trung Quốc. Hay như tại nhà sách Tân Hoa, Thường Châu đã tự thiết lập một cửa hàng trên mạng từ năm 2013. Đầu tiên, chỉ có vài đơn đặt hàng trong ngày và kéo dài trong một thời gian khá dài.
Nhưng khi nhà sách kết nối được với các tác giả có sách bán chạy, họ sẵn sàng quảng bá sách bán tại nhà sách, số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều lên, có thời điểm đạt đến con số 1.000 cuốn sách chỉ trong 3 ngày. Kể từ đó, nhà sách Tân Hoa ở Trường Châu đã nhắm vào thị trường sách trên mạng. Doanh thu của nhà sách này trong năm 2017 đạt con số 61,5 triệu USD, trở thành nhà sách có doanh thu đứng đầu trong hệ thống sách Tân Hoa ở 13 thành phố Trung Quốc. 
Một cách làm mới lạ hơn đã được nhà sách Đại Ẩn thực hiện ở Thượng Hải. Nhờ vào sự hỗ trợ của Cục Quản lý báo chí và xuất bản Thượng Hải, nhà sách được mở cửa suốt đêm và chỉ đóng cửa vào lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau. Nhiều độc giả đã chọn Đại Ẩn để chìm đắm vào thế giới riêng của những trang sách trong không gian tĩnh lặng về đêm. Phòng đọc sách được thiết kế hợp lý sao cho độc giả có thể thư giãn và có không gian thoải mái nhất.

PHƯƠNG NAM (Sggp.org.vn)

Viết bình luận


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng