• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…

Amazon Books đóng cửa, khép lại hành trình "Hiệu sách lớn nhất thế giới"

Ra đời vào tháng 7/1994, Amazon tự nhận mình là "Hiệu sách lớn nhất Trái đất". Tên gọi này tương đối phù hợp khi phiên bản website đầu tiên của gã khổng lồ TMĐT chỉ bán sách và hoàn toàn không có cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Ngay cả khi Amazon mở rộng kho hàng, bổ sung thêm đĩa CD nhạc vào năm 1998 và nhiều lựa chọn sản phẩm khác trong những năm tiếp theo, thương hiệu này vẫn là nhà bán lẻ sách trực tuyến duy nhất.

Đến năm 2015, Amazon mở cửa hàng bán lẻ Amazon Books vật lý đầu tiên. Thực tế, chuỗi cửa hàng sách của công ty Mỹ đã hoạt động được 7 năm, cho đến khi nhận thông báo đóng cửa bắt đầu từ năm 2022. Đến nay, quá trình này đã hoàn tất và các địa điểm đóng cửa vĩnh viễn.

e5e674676940c71f23e8e3284986a39e783962da.jpeg
 

Dưới đây là lịch sử ngắn gọn của chuỗi hiệu sách truyền thống từng được gọi là Amazon Books.

Tiệm sách ứng dụng phân tích dữ liệu

Địa điểm bán lẻ đầu tiên của Amazon khai trương vào tháng 11/2015 tại Seattle, Washington. Giống như tất cả những địa điểm khác sau đó của Amazon, tiệm sách sử dụng số liệu phân tích từ website Amazon như đánh giá của khách hàng, dữ liệu bán hàng hay số liệu Goodreads, để quyết định cuốn sách nào sẽ xuất hiện trên kệ.

amazonbooksshelftalker 1240x930.jpg
Sách bày bán tại cửa hàng dựa trên đánh giá của người dùng, số liệu... từ website Amazon.

Địa điểm đầu tiên cung cấp khoảng 5.000 đầu sách, sau đó mở rộng danh mục bán hàng bao gồm máy đọc sách điện tử Kindle, loa thông minh Amazon Echo, cũng như các thiết bị điện tử tiêu dùng khác đang được cung cấp trên trang web.

Sản phẩm trong cửa hàng có hai mức giá khác nhau: một dành cho khách hàng thông thường và giá chiết khấu dành cho người đăng ký Amazon Prime. Amazon Books thực tế là một cách tương tác mới giữa khách hàng và sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Không có cửa hàng Amazon Books nào giống hệt nhau

Địa điểm Amazon Books thứ hai được mở tại San Diego, California. Tổng cộng, Amazon đã mở hai chục cửa hàng trên khắp 12 tiểu bang nước Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh cao, California là nơi có nhiều cửa hàng Amazon Books nhất, với tổng số 7 cửa hàng. Một số tiểu bang khác có 2 cửa hàng, chẳng hạn như Colorado, Massachusetts, New York, Texas hay Washington.

dsf5782 1200xx4436 2495 0 233.jpg
Không có hai cửa hàng Amazon Books nào giống hệt nhau.

Không có hai cửa hàng Amazon Books nào giống hệt nhau. Mỗi địa điểm có cách bố trí và kho hàng khác biệt. Dù vậy, họ đều có đặc điểm chung về diện tích, từ 300 đến 500 mét vuông. Ngoài ra, các cửa hàng đều áp dụng chiến lược bán lẻ chung, kết hợp giữa sách vật lý, thiết bị điện tử và những sản phẩm khác từ kho trực tuyến của Amazon.

Không giống như hầu hết các hiệu sách, sách tại Amazon Books được trưng bày úp ra ngoài thay vì lật ngược để khiến chúng hấp dẫn hơn với người mua. Các thiết bị như đầu đọc Kindle, loa Amazon Echo và tai nghe được trưng bày ở chế độ demo và khách hàng được khuyến khích khám phá chúng, giống như các cửa hàng bán lẻ của Apple.

amazonbasics 1240x930.jpg
Amazon kết hợp bán sách vật lý và các thiết bị điện tử do hãng sản xuất.

Dấu chấm hết cho tiệm sách vật lý

Tháng 3/2022, Amazon thông báo sẽ đóng cửa tất cả các địa điểm bán lẻ Amazon Books, bao gồm tất cả 24 địa điểm cố định và một số cửa hàng tạm thời.

Việc đóng cửa là một phần trong kế hoạch thắt lưng buộc bụng lớn của gã khổng lồ TMĐT, vốn đã đóng cửa tổng cộng 68 cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, dù website Amazon có sự tăng trưởng liên tục, doanh số bán hàng tại các cửa hàng vật lý vẫn chậm chạp.

Vào năm 2021, giá cổ phiếu của Amazon kém hiệu quả so với các cổ phiếu công nghệ khác và điều này dường như dẫn đến quyết định chuyển hướng chiến lược bán lẻ, cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa các cửa hàng vật lý.

Amazon cho biết họ có kế hoạch tiếp tục vận hành một số cửa hàng bán lẻ khác, tập trung vào các cửa hàng Whole Foods Market, Amazon Fresh, Amazon Go và Amazon Style. Điều này bao gồm việc tiếp tục triển khai công nghệ Just Walk Out của Amazon, sử dụng nhiều cảm biến khác nhau để tự động tính phí tài khoản Amazon của người dùng khi họ rời khỏi cửa hàng.

Kim Phạm (Theo Insider)

Viết bình luận


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng