• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…
Hết hàng

Vực hiểm chốn thâm cung

Mã sản phẩm: SP1524

Lâu nay, bạn đọc vẫn khao khát được đọc những tác phẩm văn học tái hiện lại lịch sử dân tộc, khắc hoạ hình ảnh nhân vật lịch sử trong cuộc sống đời thường với những mặt tốt, xấu nhưng không phải nhà văn...
46.000₫
Hết hàng

Dịch vụ của chúng tôi

Vận chuyển toàn quốc

Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng

Hết hàng


Chi tiết sản phẩm

Lâu nay, bạn đọc vẫn khao khát được đọc những tác phẩm văn học tái hiện lại lịch sử dân tộc, khắc hoạ hình ảnh nhân vật lịch sử trong cuộc sống đời thường với những mặt tốt, xấu nhưng không phải nhà văn nào cũng dám viết, đặc biệt là viết thành công về đề tài này. Tác giả Duy Phi đã làm được điều ấy khi ông vừa cho ra mắt công chúng cuốn tiểu thuyết lịch sử ngót 400 trang “Vực hiểm chốn thâm cung”. Qua tác phẩm ông đã tái hiện lại toàn bộ một giai đoạn lịch sử xoay quanh ngai vàng của Thái tổ Lê Lợi, giúp người đọc sáng tỏ được nhiều điều mà xưa nay khó tìm trong chính sử. Cuốn tiểu thuyết gồm hai tám chương, mỗi chương là một câu chuyện sống động đầy sức thuyết phục về một chân dung con người nào đấy. Đó là một Lê Lợi oai hùng trong giết giặc nhưng sau khi lên ngôi vua lại dễ dàng rơi vào vòng xu nịnh của bọn gian thần, lần lượt ra tay bức hại những bậc đại trí hiền tài như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo... Đặc biệt trong sách những phẩm chất “sáng như sao Khuê” của công thần Nguyễn Trãi được tác giả khắc hoạ thật rõ nét. Ông từng “nằm gai nếm mật” cùng chủ tướng Lê Lợi suốt những năm đánh giặc, khi giành được hoà bình, công trạng, chức tước của ông xếp thứ 78 sau các công thần khác. Ông không nửa lời than phiền, oán trách, một lòng vì nước vì dân. Lê Lợi bị đám nịnh thần Lương Đăng, Phạm Hoành, Lê Quốc Khí xúi giục. Đặc biệt là miệng lưỡi của hoạn quan Lương Đăng. Nhà vua ngày càng truy sát đến cùng con cháu họ Trần, kể cả những ai liên quan mật thiết. Tư Đồ Trần Nguyên Hãn đã bị giết cùng hàng chục mạng người trong gia quyến, mà Nguyễn Trãi lại rất thân với Trần Nguyên Hãn. Người đọc thấy lo lắng cho số phận của Nguyễn Trãi. Ông xin về không lâu thì bị triệu vào kinh, họ vu cho ông liên kết bày mưu cho Trần Nguyên Hãn làm phản. Kết cục, một đại thần tận tuỵ bị tống giam trong ngục tối, bị cái đói, cái rét giày vò đến cạn kiệt sức lực gục xuống mà thiếp đi...
Nước mắt và máu thấm đẫm trong những trang sách. Nguyễn Trãi được tha nhờ công của Đinh Liệt nhưng bạn hữu của ông là Thái phó Phạm Văn Xảo cùng vài chục người thân của Thái phó đều bị chết thảm do kẻ xấu “mật sớ” lên vua.
Đọc tiểu thuyết của Duy Phi, có cảm giác ngòi bút của chính tác giả khóc cười, đau khổ theo từng số phận các bậc hiền nhân. Cách đặt vấn đề trong bối cảnh có nhiều luồng tư duy trái ngược nhau khiến bạn đọc nhìn thấu đáo vấn đề hơn, nhân vật rõ tính cách hơn. Những câu văn “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn”... “Giờ đây linh hồn Thái sư Đinh Liệt ở phương trời nào, giá mà ông biết được, gần sáu trăm năm sau, bao người dân nước này càng đọc càng trân trọng mỗi dòng nhật ký, mỗi vần thơ của ông? Nếu ông biết được thì những trang viết này cũng xin là những nén nhang bái lạy trước vong linh ông - một hiền nhân bất tử”. Duy Phi đã khóc nhiều hơn bất cứ bạn đọc nào khi viết lại những câu chuyện bi thương này. Những dòng trên tác giả dành cho Đinh Liệt, một vị trung thần, tác giả cuốn Đinh tộc Ngọc phả (tập phả cổ nhất nước mới được tìm thấy). Cuốn phả được ghi bằng văn và thơ một cách trung thực những sự kiện lúc bấy giờ, được cất giấu kỹ lưỡng cho đời sau. Chính Đinh Liệt vào ngục thăm Nguyễn Trãi, trực tiếp tâu với Thái tổ tha cho Nguyễn. Và rồi Lê Lợi tỉnh ngộ, Thừa chỉ Nguyễn Trãi lại được tin dùng nhưng chẳng bao lâu vua mất, Thái tử Nguyên Long lên ngôi (Lê Thái tông), vua mới 10 tuổi nên bọn Quốc Khí - Hoàng Bá, Tạ Thanh, Thúc Huệ tha hồ hoành hành, thâu tóm quyền bính. Các trung thần một phen khốn đốn...
Trong chốn thâm cung, vinh - nhục, sang - hèn, quân tử - tiểu nhân đều rõ mặt, hiện lên sinh động qua từng trang viết. Tác giả còn khắc hoạ những mối tình liêu trai thơ mộng của các bậc tài danh, những chuyện giàu tình nghĩa giữa con người với con người bên cạnh những chuyện mưu mô, lọc lừa, chém giết... Cách viết nhẩn nha vừa tỉnh táo vừa giàu cảm xúc đã giúp Duy Phi thành công trong đề tài không phải dễ. Những chi tiết, câu chuyện hư cấu đều hợp lý tái hiện một cách có hồn những cuộc đời mà bạn đọc đã biết ít nhiều qua sử sách. Sự thật phía sau ngai vàng thật kinh hãi động trời. Nào mua quan bán tước, nào phế trưởng lập thứ, nào sẵn sàng hiến vợ cho thần sông để giữ vững ngai vàng.
Bên cạnh đó, người đọc gặp một Nguyễn Trãi buồn, im lặng, sống trầm tư ẩn dật bên núi Côn Sơn, ngắm trăng quê, nghe thông reo suối chảy mong ngóng người vợ trong cung. Vụ án Lệ Chi Viên được tác giả tái hiện rất cụ thể. Nguyễn Thị Lộ - vợ Nguyễn Trãi cũng bị vu cho tội giết vua, án tru di ba họ. Những người trong dòng tộc Nguyễn Trãi bị giết. Nỗi đau lên đến đỉnh điểm, lòng người đọc tái tê.
Đọc “Vực hiểm chốn thâm cung” mà ngẫm ra thế sự, ngẫm đến chuyện đời, chuyện phẩm giá con người trong xã hội đồng tiền, trong vạn sự đổi thay... Gấp sách lại mà lòng không yên, nghĩ đến chợ đời vô tận của cõi người...

Mai Phương


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng