• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…
Hết hàng

Vô chiêu vô thức & viết ngắn tự chọn

Mã sản phẩm: SP1443

Vô chiêu vô thức, bắt cái mong manh Nhà văn Lê Anh Hoài     Nhà văn Phan Cung Việt chắc chắn là người nhiều ngẫm ngợi kín đáo, tôi đã hình dung ra như thế từ khi chưa gặp anh mà đã đọc...
45.000₫
Hết hàng

Dịch vụ của chúng tôi

Vận chuyển toàn quốc

Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng

Hết hàng


Chi tiết sản phẩm

Vô chiêu vô thức, bắt cái mong manh

Nhà văn Lê Anh Hoài

 

 

Nhà văn Phan Cung Việt chắc chắn là người nhiều ngẫm ngợi kín đáo, tôi đã hình dung ra như thế từ khi chưa gặp anh mà đã đọc truyện (và thơ) của anh.

Truyện của Phan Cung Việt vừa dễ đọc, vừa khó đọc. Dễ là ở lối ngẫm ngợi của anh nó “cận nhân tình”, nó dễ cuốn hút người ta theo nó. Khó là bởi truyện nhiều khi không có chuyện, nên người muốn lối kể chuyện có “thắt nút, mở nút, cao trào, giải quyết xung đột…” thường bị hẫng.

Chính anh, khi tự vấn việc viết truyện ngắn của mình, cũng nhận: “Thú thực, nhiều khi tôi quên cả cốt truyện mà chỉ suy đuổi theo nhịp điệu của truyện và sự hối hả của từng câu văn”.

Tôi tự nhận mình thuộc loại độc giả thứ nhất của truyện Phan Cung Việt. Nghĩa là dễ để lối ngẫm ngợi suy tưởng của anh dẫn đi. Đi mà ít nói đi đâu. Nhưng, như suy ngẫm về lẽ thịnh – suy của anh trong một truyện ngắn, ngay trong thịnh có suy, và suy đấy nhưng thịnh đấy; tôi thấy trong cái dễ đọc anh có cái khó đọc, và ngược lại.

Cái khó ở đây là con đường anh đưa người đọc đi không hề đơn giản. Nó thông thoáng đấy nhưng không thông thống, nó giản dị nhưng không giản đơn, nó không làm ra vẻ bí ẩn nhưng có những điều ẩn mật đằng sau những ngôn từ. Con đường anh đưa người đọc đi, có những đoạn anh thông thuộc lắm, nhưng lại có những đoạn mới mẻ với chính anh. Anh như vừa đi vừa khám phá cùng người đọc, anh vừa viết vừa khám phá chính mình.

“Thánh giá” là một truyện như thế. Ám ảnh. Ám ảnh từ đầu chuyến đi của nhân vật “tôi” khởi hành ngày mùng Ba Tết, với những cây hương thắp dưới chân tượng Đức Mẹ, với ám ảnh quê hương Mẹ và thơ (in nghiêng là những chữ của Phan Cung Việt)… Đòan tàu đi trong gió xuân lạnh giá từ khắp cánh đông phả vào như một hành trình tâm tưởng.

… Ga Thiền. Lâu lắm, tôi đã lần mò về đây thăm em. Em về xứ này làm dâu (…) Em nói: Anh nhớ về. Đi qua ga xép này mà anh không xuống, là em sẽ giữ đòan tàu lại… Tâm tưởng ấy đôi khi bị những tiếng reo hò, có l‎ý và vô duyên phá ngang, nhưng càng chỉ làm tăng thêm ám ảnh.

            Rồi đêm đến, câu chuyện bắt đầu có màu sắc liêu trai, chập chờn những hơi ấm bò lan sang như hơi lửa, váng vất cái hận lòng của đứa bé, kinh hoảng cái toa tàu tối như nghĩa địa, cửa tàu đập như có ngón tay gõ, ẩn hiện một nét sáng thánh giá, một khuôn mặt Đức Mẹ, những bàn tay tìm nhau… Rồi âm u chuyện người đàn ông xấu số, chết giữa lúc tàu chạy, chết lúc về gần đến nhà mình, chết mà như mê đi, chết mà như vẫn đi, vẫn đi mà chưa chết…

            Chuyện ta sẽ chìm đi giữa cuộc đời, dù đau đớn hoặc hạnh phúc đến bao nhiêu… Đúng là không có “Thánh giá”, những nét đẹp mong manh này sẽ mau chóng chìm đi giữa cuộc đời hỗn tạp. Không chỉ “Thánh giá”, nhiều truyện ngắn khác của Phan Cung Việt như “Thương nhớ heo may”, “Chữ Nhân trên mặt đất”, “Đạo người”, “Tòa thánh”, “Tàu qua xứ Thanh”… ít nhiều đều có “công” bắt được cái mong manh của đời, thậm chí có thể nói của trời như vậy. Cái này, lối văn ăn xổi không thể có nổi. Những cái bóng nhà trên hồ, những cái bóng người trên phố, thảy đều mang mang những cái quý giá nhưng không bao giờ lặp lại, không biết bắt lấy, giữ lấy thì tiếc xót lắm.

            Phan Cung Việt có một lối viết phóng khoáng, gợi mở, không câu nệ bó buộc vào thể loại hay kết cấu trường quy. Là một nhà thơ, không những văn anh có cái trữ tình của thơ, mà anh còn không ngần ngại đưa luôn thơ vào truyện ngắn. Vốn là người viết ký giỏi, anh đưa luôn thủ pháp ký vào truyện. Phải chăng đây là “thử nghiệm, tìm đường đi mới, chống cũ mòn…” như nhiều cây bút đang hô hào? Phan Cung Việt không tuyên bố gì, kể cả khi được hỏi. Tôi cũng băn khoăn mãi, rồi vỡ lẽ ra rằng nhà văn đang hành cái đạo tự nhiên. Tự nhiên, vô chiêu vô thức. Lối viết ấy thật ra rất gần với cuộc sống, rất gần với cách nghĩ, cách cảm của con người. Nói điều này, nhớ đến những tìm tòi hình thức của nhiều nhà văn khác, nhất là các nhà văn trẻ, gần đây đang nở rộ, nhưng cần nói rõ, tìm tòi hình thức mà ít lưu ý đến nội dung nhân văn, e rằng không được bền.

            Tuy nhiên, cũng vì quá phóng khoáng, nên một số truyện của Phan Cung Việt có vẻ hơi “lỏng” hoặc tác giả cố y làm “lỏng”. Nhưng vẫn có duyên, nhiều chỗ đọc gai người, như “Sương khói đàn ông” chẳng hạn.

            Thôi thì là tạng người, tạng văn. Trông có vẻ dễ dàng nhưng không phải. Tưởng như lý lẽ khô khan nhưng rất tình. Tưởng rằng thương nhớ người dưng nhưng lý rất sâu. Biết anh là người nghiêm ngắn với văn chương, mừng anh, mong anh bắt giùm thêm mấy cái mong manh giữa cõi đời.

 

Nửa đêm về sáng 19/3/2007

L.A.H

(Báo Văn nghệ, 30.4.2007)


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng