• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…
Hết hàng

Tôi là BêTô

Mã sản phẩm: SP1736

Báo Thanh Niên 13/05/2007:   Tôi là Bêtô là tác phẩm mới nhất của nhà văn chuyên viết cho thanh thiếu niên Nguyễn Nhật Ánh. Anh đã được đông đảo bạn đọc biết đến qua các tác phẩm quen thuộc như Thằng quỷ nhỏ, Trại...
31.000₫
Hết hàng

Dịch vụ của chúng tôi

Vận chuyển toàn quốc

Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng

Hết hàng


Chi tiết sản phẩm

Báo Thanh Niên 13/05/2007:

 

Tôi là Bêtô là tác phẩm mới nhất của nhà văn chuyên viết cho thanh thiếu niên Nguyễn Nhật Ánh. Anh đã được đông đảo bạn đọc biết đến qua các tác phẩm quen thuộc như Thằng quỷ nhỏ, Trại hoa vàng, Bong bóng lên trời, Cô gái đến từ hôm qua… và hai bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoaChuyện xứ Lang Biang. Với Tôi là Bêtô, đây là lần đầu tiên anh viết một tác phẩm qua lời kể của một chú cún.

 

Trong thiên truyện này, thế giới được nhìn một cách trong trẻo nhưng lồng trong đó không thiếu những ý tứ thâm trầm, khiến người đọc phải ngẫm nghĩ. Đây chắc chắn là tác phẩm không chỉ dành cho trẻ em. Tôi là Bêtô sẽ ra mắt bạn đọc trong mùa hè này. Kể từ hôm nay Thanh Niên sẽ trích giới thiệu một số đoạn trong tác phẩm thú vị này...

 

Tên tôi là Bêtô.

 

Đó là cái tên chị Ni đặt cho tôi. Đúng ra, cái tên ban đầu là Bêbêtô. Bạn có biết Bêbêtô là gì không? Chắc bạn nghĩ đó là một loại củ cải? Trật lất rồi, bạn ơi. Đó là tên của một cầu thủ đội Brazil.

 

Chị Ni đặt cho tôi cái tên đó chính xác là vào ngày 15 tháng 7 năm 1994, tức là đúng nửa tháng sau ngày đội tuyển Brazil đoạt chức vô địch giải bóng đá thế giới lần thứ 15.

 

Đó cũng chính là ngày tôi đặt chân đến nhà tôi. Tất nhiên là nhà tôi hiện nay. Nhà tôi hiện nay tất nhiên là nhà tôi đang ở.

 

Phải nói rõ như vậy, vì thông thường, khi nhắc đến hai chữ "nhà tôi" người ta đang nghĩ đến cái nhà người ta đã rời xa.

 

Người ta nghĩ đến cái nhà cách đó một trăm mét và lo lắng nói:

 

- Mưa thế này, không biết nhà tôi có dột không.

 

Người ta nghĩ đến cái nhà cách đó một ngàn mét và buồn bã nói:

 

- Không biết giờ này ở nhà tôi mọi người đang làm gì.

 

Người ta nghĩ đến cái nhà cách đó nửa vòng trái đất và lần này thì người ta sụt sùi:

 

- Chẳng biết chừng nào tôi mới được về thăm lại nhà tôi.

 

Ngày đầu tiên về thăm quê từ một nơi xa lăng lắc, chính bà nội của chị Ni vừa khóc vừa kể như vậy. Lúc đó tôi đang nằm gặm xương dưới gầm bàn chứ đâu.

 

***

 

Bêbêtô! Cái tên cũng hay đấy chứ? Nhưng dài quá.

 

Đầu tiên chị Ni gọi tôi:

 

- Bêbêtô.

 

Sau đó, anh Nghé, anh chị Ni, gọi tôi:

 

- B... bêtô.

 

Đến lượt ba chị Ni và mẹ chị Ni gọi tôi:

 

- Bêtô.

 

Bạn thấy chưa, càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.

 

Thế là tôi trở thành Bêtô.

 

May mà bà nội chị Ni về chơi ít ngày, chưa kịp gọi đến tôi. Nếu không tên tôi có khi chỉ gọn lỏn:

 

- Tô.

 

Mà như thế thì thật buồn cười.

 

***

 

Tôi chưa thấy ai mê bóng đá như chị Ni. Tôi biết cái trò đó.  Thậm chí biết rành hơn những người không biết.

 

Hai mươi hai người chia làm hai phe, rất dễ phân biệt vì họ mặc quần áo khác màu nhau, cùng tranh giành một vật tròn tròn được gọi là quả bóng. Và một người thứ hai mươi ba lon ton chạy theo, với cái còi ngậm trên miệng. Đó là ông trọng tài.

 

Bọn cún chúng tôi cũng hay chơi cái trò nhí nhố này. Nhưng thay vì quả bóng, tụi tôi giành nhau khúc xương, có khi chỉ là cái đuôi cá nhỏ xíu.

 

Tất nhiên tụi tôi không chia làm hai phe. Mà vô số phe. Có năm thằng cún là năm phe. Và mười phe, nếu từ đâu đó chạy tới năm thằng nữa.

 

Tụi tôi cũng không cần trọng tài. Nếu có thằng nào tự xưng là trọng tài thì hắn cũng nói cho oai thế thôi. Vì ngay sau đó lập tức tự hắn cũng thành một phe.

 

Khúc xương tất nhiên hấp dẫn hơn quả bóng. Vì ăn được. Và vì giành nhau một thứ ăn được, tụi tôi choảng nhau quyết liệt hơn so với các cầu thủ gấp trăm lần. Nhiều khi nước mắt. Đôi khi máu. Và trên cái nền thường trực là những tiếng rên.

 

Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả.

 

***

 

Tôi đã thấy chị Ni nhảy cao như thế nào (y như lũ cún bọn tôi lúc giành được khúc xương) khi đội Brazil đoạt Cúp vàng năm 1994. Và tôi cũng chứng kiến chị Ni đã buồn bã như thế nào vào cái ngày đội bóng thân yêu của chị bị thất trận trước đội Pháp bốn năm sau đó.

 

Chị bỏ ăn một ngày, bỏ ngủ ba ngày và khóc suốt một tuần lễ liền. Chị kêu Zidane là tên đầu hói đáng ghét, kêu Aimé Jacquet là lão già khùng.

 

Ba chị bảo:

 

- Ăn một miếng đi con.

 

Chị lắc đầu.

 

Mẹ chị năn nỉ:

 

- Ngủ một chút đi con.

 

Chị lắc đầu.

 

Trước trận chung kết, sáng nào hai cha con cũng chúi mũi đọc các báo thể thao.

 

Sau trận chung kết, ba chị ôm chăn gối nằm ngủ ngay chỗ cửa ra vào, chặn hết các tờ báo sớm tuồn qua khe cửa vào tờ mờ sáng hôm sau, đọc vội đọc vàng sau đó vò lại thành một quả bóng bằng giấy và quẳng hết vào thùng rác.

 

Ba chị không nỡ để chị xem các bài báo ca ngợi kẻ thù và các hình ảnh đăng quang của đội bóng vô địch.

 

Nhưng tôi chưa kịp lôi các tờ báo vo tròn đó ra khỏi thùng rác để nghịch thì chị đã nhặt sạch.

 

Buổi trưa đi làm về, ba chị sững sờ khi thấy chị đang ngồi mê mải trước những tờ báo nhàu nát.

 

Ba chị không biết, nhưng tôi biết: trong thể thao, tình yêu bao giờ cũng cao hơn hận thù.

 


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng