• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…
Hết hàng

Sơn Nam

Mã sản phẩm: SP1737

Mênh mang sông nước miền Tây. Mênh mang tình người Nam Bộ. Những mênh mang ấy chảy vào văn Sơn Nam tự nhiên như vị mặn khô cá lóc, vị chua xoài non... Dân dã mà đậm đà nghĩa tình.   Trong một bài viết về...
74.000₫
Hết hàng

Dịch vụ của chúng tôi

Vận chuyển toàn quốc

Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng

Hết hàng


Chi tiết sản phẩm

Mênh mang sông nước miền Tây. Mênh mang tình người Nam Bộ. Những mênh mang ấy chảy vào văn Sơn Nam tự nhiên như vị mặn khô cá lóc, vị chua xoài non... Dân dã mà đậm đà nghĩa tình.  

Trong một bài viết về nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Trần Hữu Dũng từng cho rằng, tinh chất nhất của Sơn Nam là tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau. Điều này đã được nhiều lớp độc giả miền Nam khẳng định. Cũng vì nét hấp dẫn rất đặc trưng mà truyện ngắn Mùa len trâu cùng 2 truyện ngắn khác trong tập Hương rừng Cà Mau từng được đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh mua với giá 3.200 USD để chuyển thể lên màn ảnh nhựa.

Thế nhưng, 3 truyện ngắn ấy còn là con số nhỏ nhoi trong số những truyện ngắn hay mà Sơn Nam đã viết. Và tập Hương quê - Tây Đầu đỏ và một số truyện ngắn khác vừa ra mắt độc giả cả nước (12/2006, NXB Trẻ) của Sơn Nam là một tuyển tập rất quý những truyện ngắn hay không thua gì Hương rừng Cà Mau. Quyển sách dày 450 trang này được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau qua nỗ lực tìm kiếm của NXB Trẻ, và hai người sưu tập (vốn là bạn già của Sơn Nam) là Đinh Công Tâm và Lê Minh Quốc. Phần lớn các truyện ngắn của Sơn Nam đăng trên tạp chí Hương quê, một tạp chí khuyến nông của Bộ nông nghiệp chính quyền Sài Gòn trước đây. Tuy đây là tạp chí nông nghiệp nhưng dành đất rất trang trọng cho hai nhà văn chuyên viết truyện ngắn về miền Nam lúc ấy là Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Chuyên mục truyện ngắn này luôn luôn thu hút đông đảo độc giả đón đọc.

Nhà văn Sơn Nam quan niệm về cách viết truyện ngắn: "Mỗi loại đều có cái khó riêng. Truyện ngắn khó viết vì cần cốt truyện. Nhập đề phải gọn và nhanh, kết thúc đúng nơi, đúng lúc trong phạm vi năm ba hàng mà thôi".*

Quan niệm này đã được Sơn Nam tuân thủ xuyên suốt các truyện ngắn của ông. Nếu như ở các thể loại biên khảo, hồi ký..., Sơn Nam đôi khi có lối viết cà kê, rề rà, làm người đọc phải cố gắng "đuổi" mới theo kịp những gì ông đề cập, thì trong truyện ngắn, Sơn Nam viết kiệm chữ, nhưng nhiều ý.  

Truyện Sơn Nam viết sử dụng một khối lượng lớn các ngôn ngữ bình dân. Giọng đối đáp, chuyện trò, tâm tình giữa các nhân vật giản dị, tự nhiên mà dân dã nghĩa tình, theo cách nói nôm na là "rặt miền Tây".

Hãy thử xem cảnh một chàng lực điền đang "cưa" cô gái quê mùa đã có một con, sống cảnh lênh đênh trên sông đi tìm cá làm nước mắm. Nét nhuần nhị, hiền lành của cô gái quê, kể cả cái vẻ bươn bả đều hiện rõ qua giọng nói:

"... Huệ tức giận:
- Ông không quá giang thì cứ đi trên bờ!
- Nhưng tôi muốn mời ... bà con lên bờ, nói chuyện cho vui. Mùa này trời nắng ... Tôi đâu phải là ăn cướp. Cô không ghé lại thì tôi chết luôn. Tôi nhảy xuống rạch ...

Gương mặt Hai Tỵ trở nên hiền lành hơn bao giờ hết. Anh ta nài nỉ chớ đâu có hăm dọa. Đúng là kẻ si tình. Lựu cười tủm tỉm, để lộ hai núm đồng tiền:
- Chết đâu chết phứt cho rảnh. Để mẹ con tôi làm ăn. Nghèo lắm nên mới tới xứ này."
(trích truyện Một tấm vòng vàng).

Sơn Nam tả cảnh, tả tình như những nét sơ lược giống như bức tranh kiệm nét như sâu sắc tình ý. Đọc đoạn văn ngắn sau đây, ai dám nói người nhà quê khi yêu, khi nhớ không lãng mạn, da diết.

"Chiếc xuồng lướt nhanh hơn vì lần này Lựu cầm tay dầm. Hai Tỵ đứng một mình, bên cánh đồng lúa chín vàng mơ. Vài áng mây trắng lướt qua, che phủ rặng cây mắm ở bãi biển. Sóng đánh ầm ầm vào bãi, như bản nhạc rì rào buồn bã ..." (trích truyện Một tấm lòng vàng).

Truyện ngắn Sơn Nam còn chứa đựng một vốn sống phong phú về đời sống xã hội, tự nhiên của người Nam Bộ. Truyện Ba kiểu chạy buồm là cuộc đối đáp, thi tài thú vị giữa ông già nông dân và chàng lực điền trẻ tuổi, háo thắng. Truyện hài hước và đan cài vào đó bài học sâu xa về cách sống ở đời. Hay Tâm sự chú lái nồi là một câu chuyện kể hết sức thú vị về nghề buôn bán nồi làm bằng đất trên kênh rạch chằng chịt của miền Nam ngày ấy. Nghề buôn nồi và người dân lam lũ trong câu truyện đượm màu ưu tư, buồn bã về cái khổ, cái nghèo trong một bối cảnh xã hội vừa nhuốm màu huyền hoặc, vừa không kém phần thú vị. Chắc chắn hôm nay, người ta chỉ còn có thể tìm thấy những điều ấy trong truyện Sơn Nam.  

Nam Bộ sơ khai, hoang dã vừa gần vừa xa, Thất Sơn huyền bí, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá - Kiên Giang rộng lớn... đều là những vùng đất của người khẩn hoang. Những câu chuyện của Sơn Nam kể lại cả một giai đoạn rất đặc biệt của người miền Nam: Thời vừa khẩn hoang, vừa giao thoa, vừa va chạm văn hóa với thực dân Pháp, khi mà những ông cò, ông Tây sống chung với người dân quê chân chất.

Với truyện Tây đầu đỏ, độc giả cứng rắn nhất cũng không thể không quặn lòng trước nỗi đau của ông già nông dân. Ông thương con bò mẹ đang mang thai bê con mà buộc phải mang bò mẹ nộp cho ông Tây "sành" ăn. 

"Nó cầm ba toong chỉ ngay vô mặt tôi, nạt lên một tiếng như mèo kêu:
- Ma...au; Ma..au lên!

Tôi lính quýnh, bước lại khạp nước mưa, vét một thùng đầy để trước miệng con bò:
- Uống lần nữa đi con!
Con bò ngó thùng nước, ngúc ngắc đầu rồi cúi xuống uống một hớp. Hai tiếng búa đập. Một tiếng rống dài... Con bò niểng đầu một bên, nước mắt tuôn trào, ngửa mặt qua phía nhà tôi rồi ngã xuống... Họ xé bụng mẹ, kéo ra được cái
thai... Mất con bò rồi, nhà tôi còn cái mẻ kho cá với chiếc chiếu rách".

(Trích Tây đầu đỏ, truyện ký đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác văn học do Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ tổ chức năm 1952).

Không phải truyện ngắn nào Sơn Nam viết cũng hay, nhưng Hương Quê - Tây đầu đỏ là cuốn sách tập hợp nhiều truyện ngắn hay của ông. Truyện nào cũng như những thước phim sinh động, đầy đủ cả âm thanh, màu sắc mùi vị. Sơn Nam không sao chép "y chang" cuộc sống, mà cuộc sống tự nhiên chảy vào văn ông, từ cái thô mộc nhất đến cái tinh tế nhất, rất thật và sống động trong lối ăn - nói - cách sống - cách nghĩ - cách yêu thương - cách căm giận của người miền Tây miệt vườn. Quả thật, tập sách là một kho từ vựng để người đọc cả nước hiểu về con người, tính cách Nam Bộ 

Ông Phạm Sỹ Sáu, trưởng phòng khai thác đề tài NXB Trẻ cho biết, sách Sơn Nam ngoài Hà Nội bán không chạy như ở TP HCM và các tỉnh miền Tây. Vì có người nói đọc Sơn Nam không phải là lúc nào cũng thích. Thậm chí, nếu không phải là người Nam Bộ, có người đọc còn không hiểu Sơn Nam viết gì.

Sau khi hoàn tất bộ sách Sơn Nam bìa cứng sang trọng và giá cả khá đắt (theo nhận xét của nhà văn Lý Lan) như hiện nay, để sách Sơn Nam gần gũi hơn nữa với độc giả cả nước, sắp tới NXB Trẻ có kế hoạch in toàn bộ các tác phẩm của Sơn Nam với hình thức bìa mềm, giảm giá để mọi người dễ mua và có điều kiện đọc nhiều hơn.  

Với Hương quê - Tây đầu đỏ của Sơn Nam, chợt thấy thương nhớ một vùng Nam Bộ rộng lớn. Một vùng đất chưa kịp được mọi người hiểu hết, cảm hết đã phôi pha dần nét riêng. Bây giờ về miền Tây, sông nước, kênh rạch như xưa nhưng dường như con người đang thay đổi đến chóng mặt. Nhà văn viết về con người, cảnh vật miền Tây cũng không nhiều, nổi bật và được nhắc nhiều nhất gần đây là Nguyễn Ngọc Tư. Thế nhưng, ngay cả Nguyễn Ngọc Tư, Sơn Nam cũng từng nhận xét thẳng thắn: "Hay nhưng chưa sâu". 

Trên một dòng văn chương Việt Nam đang có xu hướng nhàn nhạt, giông giống nhau của các cây bút trẻ, bài học Sơn Nam gửi lại cho người cầm bút chắc chắn không thừa: "Muốn viết hay và viết sâu; chắc chắn phải cảm, phải nắm rõ Sử - Địa vùng đất mà mình đang viết".

Truyện ngắn Sơn Nam đã đi vào sách giáo khoa Văn của học sinh cấp 3 toàn quốc. Tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ với đề tài và cách viết độc đáo: Trầm hùng, bi ai mà chân chất, quê mùa đã được chọn là một áng văn dùng trong nhà trường. Nhưng tiếc rằng, lớp độc giả thế hệ mới chưa chú ý nhiều đến truyện ngắn Sơn Nam. Do đó, cần phải nhấn mạnh, gia tài truyện ngắn của Sơn Nam là một "kho vàng" tiềm ẩn. Người có lòng và chịu bỏ công tìm đến chắc chắn sẽ "giàu to".

Đọc truyện ngắn Sơn Nam chợt thấy bùng lên một niềm hy vọng: Ngày nào đó những truyện như: Tấm lòng vàng, Tây Đầu Đỏ, Tâm sự chú lái nồi, Mỏ vàng ở Hòn Tre... tiếp tục được nhà đạo diễn hay biên kịch giỏi để mắt tới, chuyển thể thành những bộ phim sống động để người Việt Nam trong và ngoài nước thưởng thức.

Bởi vì, nếu mọi người chỉ biết đến Sơn Nam với mỗi Mùa len trâu thì quá uổng cho một kho tư liệu độc đáo như thế.

Evan 22/03/2007


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng