- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Ông Phong Lê là một nhà nghiên cứu phê bình lâu năm ở Viện Văn học Việt Nam. Tính từ công trình đầu tay Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945 - 1970 (1972) đến nay, ở độ tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm”, ông đã có hơn hai chục đầu sách viết về văn học Việt Nam hiện đại - lĩnh vực chuyên môn của ông.
Mấy năm gần đây ông đi sâu vào việc nghiên cứu có tính chất tổng kết, chiêm nghiệm văn học Việt Nam thế kỷ 20. Một mặt ông khảo sát các hiện tượng, các vấn đề, các dòng chảy văn học để tìm hiểu sự vận động, tìm kiếm qui luật phát triển của bộ môn nghệ thuật ngôn từ ở Việt Nam mà từ thế kỷ 20 đã đi vào quĩ đạo chung của thế giới hiện đại.
Mặt khác, ông nhìn lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ vừa qua phản chiếu từ các nhân vật đã tạo lập và đóng góp cho quá trình văn học ấy.
Tập chân dung và tiểu luận Người trong văn ở trong mạch viết thứ hai này của Phong Lê. Ba mươi bài viết (tính đến thời điểm năm 2005) về 31 con người văn chương (Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được viết chung) xuyên suốt một cái nhìn chiêm nghiệm của Phong Lê về đời và văn của những văn nhân mà ông kính phục, yêu mến và tâm đắc.
Như ở Ngô Tất Tố ông thấy “không chỉ là người tiền trạm, người chuyển giao, mà là người đồng thời với chúng ta”. Như ở Hoàng Xuân Hãn ông thấy đó là “một trong những gương mặt tiêu biểu và sáng giá của người trí thức trước yêu cầu bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân tộc và giữ cho được bản sắc văn hóa của dân tộc”. Như ở Lê Khả Kế, “nhà từ điển”, ông thấy “là người dường như tất cả những gì có trong mình đều được dồn vào bên trong”.
Còn nhiều những chân dung khác nữa trong tập sách này: Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Minh Châu, Quang Dũng, Nguyễn Khắc Viện, Cao Huy Đỉnh...
Có cái viết sâu, có cái vẽ phác, có cái chỉ mới chấm phá, bằng một lối viết điềm đạm, ít hoa mỹ, ít bộc phát cảm xúc, chỉ lẳng lặng mà kể, Phong Lê đã giúp người đọc tiếp cận những người vốn đã quen thuộc qua cảm quan và trải nghiệm của ông. Và đọc xong tập sách thì thấy người trong văn ở đây không chỉ là người được viết, mà cả người viết.
PHẠM XUÂN NGUYÊN