- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Lấy bối cảnh nước Pháp hồi đầu thế kỷ 18, thế kỷ của nghèo đói, bất công và những tai hoạ thảm khốc báo hiệu cơn bão táp đang tới, nhà văn Đức Patrick Suskind (sinh năm 1949) trong tác phẩm đầu tay của mình, đã chọn hiện thực này làm mảnh đất gieo trồng một hình tượng độc đáo vĩnh viễn của cái ác.
Những nhà thương thí liên hoàn với khu mương sình ngập ngụa hài cốt người nghèo, con bệnh giang mai sống là những đàn bà thị dân nghèo mới ngoài hai mươi tuổi, mỗi lần sinh nở chỉ tống ra một thứ “của nợ” lùng nhùng bị gạt ngay vào đám rác rưởi, trẻ em vô thừa nhận bị vắt kiệt sức sống trong những công việc địa ngục tăm tối nhất, hiện thực trong tác phẩm được tô đậm bằng cảm quan đen tối và phi lý, chối từ bất cứ cái nhìn nào của “thế kỷ ánh sáng”.
Jean - Baptiste Grenouille là đứa trẻ vô thừa nhận con của một trong những đàn bà ấy, nó chỉ tồn tại được nhờ thứ bản năng lạ lùng, bản năng phản kháng ác độc, thách thức cả môi trường chung quanh, vốn thích hợp với cái chết hơn là sự sống.
Nhà văn dẫn dắt chúng ta qua câu chuyện kỳ lạ, cuộc vật lộn sinh tồn của sinh vật Grenouille, đứa trẻ không có mùi con người, sự sống trong trạng thái đen tối.
Người nhận nuôi đứa trẻ lấy công sá của nhà thờ là bà vú mà vốn “đã chết từ khi còn sống”, khô kiệt mọi giác quan, tồn tại chỉ nhằm gom tiền để đợi đến lúc chết được mai táng riêng chứ không phải trong nấm mồ tập thể dưới lòng mương lầy lội. Grenouille lớn lên, vượt qua bao thảm hoạ của hoàn cảnh, sự tước đoạt bằng lao động khổ sai nguy hiểm, sự ngược đãi, bệnh dịch, cái chết, không phải với tình yêu hay lòng ham sống mà như một sự phi lý.
Không ai “ngửi “ thấy sự tồn tại của Grenouille, nhưng nó lại là bậc thiên tài về khứu giác và đánh giá các loại mùi; từng giết một bé gái để được tự do chiếm đoạt mùi hương. Nó tồn tại ngoài lề đời sống, ngoài những những quy luật thông thường của con người, như một dạng thức siêu nhiên của cái ác.
Nhà văn đã dành phần lớn tài năng và tâm sức của mình để miêu tả cái thế giới siêu nhiên của Grenouille, nơi mà mọi cảm giác về ngoại giới chỉ có được thông qua các mùi hương, cái thế giới bên trong thô sơ hoang rợ so với người bình thường của hắn lại tồn tại vô vàn khoái thú và thoả mãn nhờ mùi hương, thiên tài của hắn về tách và hợp các mùi hương phi phàm…
Thế giới hư ảo và phi lý của Grenouille được nhà văn miêu tả không thôi khiến chúng ta ngạc nhiên vì sự giàu có tưởng chừng vô biên, những cảm xúc nội giới lạ lùng trong thế giới mùi hương, những sự kiện tưởng tượng đầy lý thú xuất phát từ lôgic thực tế của nghề điều chế mùi hương.
Cái ác của Grenouille không đơn thuần là “ác” một chiều, theo ý nghĩa đạo đức. Thiên tài của hắn đã tạo ra những thành quả đáng kinh ngạc trong một đời sống còn bị bao phủ bởi màn sương tối tăm của lạc hậu và ngộ nhận, dị đoan. Thiên tài của hắn, bằng mọi phương cách khổ nhục, nhẫn nại bám víu lấy đời sống. Bằng những cố gắng đầy ý thức, sinh vật lạc lõng Grenouille, đã đi từ tự thoả mãn bản thân đến trà trộn vào đời sống cộng đồng, rồi trở thành kẻ điều khiển tình cảm và nhục dục của cộng đồng ấy với quyền năng còn hơn cả Chúa trời, bằng thủ đoạn tàn nhẫn ghê tởm nhất… Quan trọng hơn, Grenouille, bằng cái ác tự nhiên như trong máu, đã trở lại lộn trái bản chất mông muội tàn nhẫn của chính đời sống đã tạo nên nó.
Sinh ra từ cái ác, tồn tại một cách siêu nhiên, hình tượng “thiên tài mùi hương” của Patrick Suskind là một lời cảnh báo, dù cho xã hội loài người đã trải qua biết bao chặng đường tư tưởng, thì “thế lực của quỷ Satan” vẫn đồng hành như một điều bí ẩn vượt lên nhận thức thông thường. Những cuộc thế chiến liên tục diễn ra sau khi con người đạt đến đời sống văn minh chính là minh chứng cho điều đó.
Khánh Phương