- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Ông Lê Hoè là một sĩ quan quân đội chuyển ngành, thành cán bộ tuyên huấn cao cấp, người giáo điều, duy ý chí, luôn đề cao nguyên tắc trong cả cuộc sống lẫn công việc. Nhưng ông Hoè cũng là người luôn trăn trở, lo âu với thời cuộc, nhất là những vấn đề về cơ chế, về phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, tư cách Đảng viên trong tình hình mới của đất nước. Vợ ông, một người phụ nữ sắc sảo và thực dụng, nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của cơ chế thị trường. Con trai ông, Lê Đại, từ một sĩ quan xuất sắc trong quân đội trở thành doanh nhân, với suy nghĩ, làm giàu cũng là một cách yêu nước. Con rể Trần Kiên, một bí thư quận uỷ luôn trăn trở về trách nhiệm công tác, về uy tín của đảng, lòng tin của dân với đảng, vì thế, anh tìm cách cải tiến phương thức lãnh đạo ở địa phương mình. Nhưng cuối cũng thì những nỗ lực lại bị chính những người trong cơ chế cũ vùi dập. Một gia đình bình thường như bao gia đình hiện đại, nhưng cũng ẩn chứa biết bao xung đột xã hội. Bố lấy người yêu cũ của con, con trai chứng kiến cảnh mẹ ngoại tình trong chính nhà mình…
Toàn bộ tiểu thuyết "Luật đời và cha con" xoay quanh cuộc sống của các thành viên trong một gia đình 3 thế hệ. Mỗi người một công việc, một lối sống, một quan điểm khác nhau, đại diện cho những thế hệ, những tầng lớp khác nhau. Nhưng họ đều có một điểm chung là hầu hết các nhân vật đều là đảng viên, đều có vai trò, có vị trí nhất định trong tổ chức. Xung quanh họ là chi bộ Đảng, là tổ chức Đảng, là những hình thức sinh hoạt Đảng khác nhau, quan trọng hơn là cả một cơ chế quản lý và chi phối cả cuộc sống lẫn công việc của họ. Mỗi số phận con người cuối cùng lại gắn liền và chịu sự chi phối của quy luật cuộc sống và những cơ chế điều hành xã hội. Bối cảnh câu chuyện trải dài suốt 50 năm, từ những năm tháng kháng chiến đến thời kỳ bao cấp và rồi, cùng cả xã hội bước vào cuộc đổi mới với bao điều mới mẻ. Nhận định về tác phẩm, có tờ báo viết: "Tiểu thuyết đã đi thẳng vào phản ánh và khám phá một số mặt của hiện trạng cuộc sống chính trị xã hội đất nước đang trong quá trình đổi mới. Vấn đề tác phẩm nêu lên mang tính thời sự chính trị cao: thay đổi phương thức Đảng lãnh đạo chính quyền sao cho hiệu quả, đạt ích nước lợi nhà cao nhất. Tác giả Nguyễn Bắc Sơn đã đưa người đọc văn chương xáp gần với hiện thực, cuộc sống như đang có để độc giả hít thở cùng một bầu không khí thời sự với nhân vật." "Cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn vốn sống chính trị đã mô tả guồng quay nghiệt ngã như vòng quay của bánh xe luân hồi lăn qua 3 thế hệ, thực chất cái bánh xe ấy chính là sự vận hành của cơ chế tổ chức trong xã hội Việt
"Luật đời và cha con" là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, tiếp sau nhiều truyện ngắn ông viết về những vấn đề bức xúc trong xã hội đương đại. Cuốn sách được viết bằng văn phong giản dị, với lối kể chuyện chân thực, khúc chiết. Nói như một nhà phê bình văn học, Nguyễn Bắc Sơn đã sử dụng lối kể chuyện, kể hoạt có xen dí dỏm, hài hước, với nhiều chi tiết đời thường, đọc thấy chân thực và sống động. Ông đã biết phối hợp, đan xen các mảng miếng kết cấu để câu chuyện và tác phẩm tránh đơn điệu trong cách kể. Cuốn tiểu thuyết vì thế đọc hấp dẫn và cuốn hút. Chuyện cha con trong một gia đình nhưng là chuyện cả xã hội. Và “luật đời” mà tác giả gửi gắm trong tên truyện chính thực là quy luật cuộc sống, của nhân sinh, và sống là phải theo luật, phải làm đúng luật nếu không sẽ bị thất bại và trả giá. Một cá nhân là vậy. Một tập thể là vậy. Một đất nước là vậy. Mà rộng ra toàn nhân quần xã hội là vậy. Đấy có lẽ cũng là ý tưởng mà tác giả gói trọn trong tác phẩm của mình.
Kim Hải