- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Huế - mùa mai đỏ, tập tiểu thuyết được tái bản của nhà văn Xuân Thiều, tác phẩm đã được giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1994 và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995.
Trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của người, có lẽ ở tập tiểu thuyết này, nhà văn Xuân Thiều miêu tả trực diện nhất cuộc chiến đấu, hy sinh của người lính người dân Việt Nam trong chiến dịch Tết Mậu Thân - Huế 1968.
Trận chiến có tính quyết định nhằm giải phóng Huế không thuận lợi như dự kiến ban đầu, dù những người lính vô cùng mưu trí, gan góc, dũng cảm. Người đọc không thể quên cái chết của Đại úy Song, chính trị viên Tiểu đoàn, anh không tán thành chủ trương trụ lâu ở Huế trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tương quan lực lượng giữa ta và địch chưa cho phép. Trụ lại không phải không có tác dụng, nhưng giữa cái được và cái mất, thực tế chứng tỏ mất nhiều hơn. Những ý kiến đầy tâm huyết của anh khi ấy chưa được chấp nhận. Một vài người cho anh là kẻ hèn nhát, tham sống sợ chết. Để tỏ rõ phẩm cách chiến sĩ trung kiên của mình, anh tình nguyện dẫn đầu tiểu đoàn xung trận và đã hy sinh thật quả cảm.
Tuy nhiên, dân Huế đã được sống trong tâm trạng của những người dân giải phóng trong 24 ngày. Đó cũng là những ngày cầm cự trong thế giằng co quyết liệt giữa lính ta và địch, là những ngày người dân Huế náo nức chuẩn bị cho cuộc sống mới của đời tự do, họ là lực lượng nổi dậy ở địa phương phối hợp với bộ đội góp công rất lớn giải phóng Huế, vì thế, không chỉ bộ đội ta hy sinh, mà máu người dân đã đổ.
Không chỉ có sự sum vầy sau bao năm xa cách mà còn là đau xót, giằng xé nội tâm khi phải đối mặt với bản thân mình, với gia đình mình. Tiêu biểu như gia đình Trung đoàn trưởng Tư Thiên. Có ai ngờ Tư Thiên, một trung đoàn trưởng gan dạ, dũng cảm, nổi tiếng, lại có Chiến - thằng con trai chuẩn bị tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt; Mai – cô gái hết lòng ngưỡng mộ Ba Tư Thiên, là y tá của cơ quan tham mưu lại từng có chồng là lính Nguỵ. Đến cả bà Đào, vợ ông, cũng đã từng phải đối phó với thời thế cay nghiệt, mà về ở với người khác để tránh sự đàn áp gia đình Việt cộng… Những tâm lý giằng xé, đan xen trong tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con cùng với cuộc đấu tranh giữa sống - chết của người lính tương xứng với tầm vóc lớn lao của cuộc chiến làm nên sức hút của tác phẩm. Vì thế, tập tiểu thuyết không chỉ là bài ca về sự hy sinh dũng cảm của người lính và khát vọng độc lập tự do của Tổ quốc, mà còn làm người đọc cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của từng người dân, từng gia đình Huế nói riêng và người dân Việt nói chung trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua.
Đọc Huế - Mùa mai đỏ, người đọc chắc chắn sẽ đồng cảm với tác giả Xuân Thiều qua lời bộc bạch của ông: “Đối với tôi, cuộc sống ở chiến trường đã răn dạy mình nhiều điều. Hoà nhập vào đời sống người lính ở chiến trường, trái tim ta trở nên đa cảm hơn, lòng ta trở nên nhân hậu, ưu ái hơn, độ lượng hơn và nhất là bớt ích kỷ hơn. Tiếp xúc với đời sống chiến sĩ như được nghe một bản nhạc không lời. Không ai bảo ban ta từng câu từng ý cụ thể, nhưng ta cảm nhận được những điều tốt lành qua hành động, tâm tư của những người lính vào sống ra chết. Hít thở được chút hương hoa này, cúi đầu bái phục vẻ đẹp người lính, ấy là nhà văn đã tự nâng mình lên.”