- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Cuộc đấu tranh của 2 nhà báo Vương và Thức với những kẻ nắm giữ quyền lực và lợi dụng quyền lực ở một địa phương vùng cao có cái tên Phạ Đeng đã mở đầu cho câu chuyện về cuộc đời của rất nhiều con người nơi miền sơn cước. Cuộc đối đầu với những con người nhân danh chính quyền để làm bậy đó đã đưa Vương và Thức cùng những đồng nghiệp tâm huyết và cả gia đình vào một cuộc phiêu lưu vô hình nhưng đầy rẫy nguy hiểm. Thao túng quyền lực, dung nạp những lối hành xử và những kẻ lưu manh để củng cố địa vị và túi tiền của mình, những vị "Công bộc" với bề ngoài khả kính tha hồ vẫy vùng ở một nơi mà trước cấp trên họ luôn tỏ ra mẫn cán, trước cấp dưới luôn ra dáng là Công tâm, là vì dân, vì nước. Những ông hoàng ở nơi mà dân trí chưa cao, con người lại quá thật thà thì luật pháp và cả luật rừng đã được dùng để hành xử với đồng nghiệp, với cấp dưới, với những người dám đi ngược lại lợi ích của họ.
Âm u và có phần hoang sơ nhưng "Đàn trời" lại mang đầy nét nhân bản. Những con người ở một vùng cao đâu đó đặc trưng của núi rừng phía Bắc bỗng trở nên cao đẹp, đáng trọng và đáng yêu hơn. Ẩn sau cái phần thô ráp là nét đẹp hoang sơn, là tình bạn, tình yêu và lớn hơn cả là tình người. "Đàn trời" đưa bạn đọc trở về miền sơn cước với câu chuyện của mỗi con người ở đó, và cả những người đã được núi rừng nuôi dưỡng trưởng thành.
Đan xen trong cuộc đấu tranh nhằm trả lại sự bình yên trong lành của núi rừng là những câu chuyện về cuộc đời của từng con người, từng nhân vật chính của "Đàn trời". Nếu như Vương là hiện thân của một sự thành đạt với hạnh phúc và đôi nét lãng mạn của một người con vùng cao đích thực, thì Thức lại là một người mà mãi đến những khi lâm vào cảnh khốn cùng, khi phải theo cánh đào vàng vào rừng, giữa cái sống và cái chết mới tìm ra được nguồn gốc của mình. Anh là con một gia đình trí thức theo cách mạng đã bị giặc Pháp thủ tiêu cả cha lẫn mẹ, mất toàn bộ gia đình và được một người con gái vùng cao mới 16, 17 tuổi giành lại được trong cơn cuồng loạn ở Hải Phòng những ngày quân Pháp đang chuẩn bị rút quân vào miền Nam năm 1954. Sự sống, sự tồn tại và phát triển của Thức trong vòng tay người dân vùng cao đó như một bài ca của lòng trắc ẩn, sự nhân hậu của những con người chỉ biết nói yêu hay ghét theo đúng lòng mình.
Đâu đó trong "Đàn trời" cứ như nhắc cho bạn đọc thầm đặt một sự so sánh vô tình. Những vị vẫn gọi mình là công bộc - mà thực tế những "ông quan" của dân kia nếu bóc đi cái mũ cao áo dài sao bỗng thấy thâm độc, nham hiểm và độc ác hơn cả những kẻ "Chí Phèo" những tay dao tay búa bị lợi dụng. Cái chết của chúng vẫn làm cho người ta thấy giá trị hơn cái sự sống mà không thể ngẩng đầu của những con người từng một thời danh vọng.
"Đàn trời" đã được tác giả Cao Duy Sơn đan xen giữa hiện tại và quá khứ cứ đưa người đọc đi hết những lo toan, căm phẫn và đến cái đích của lòng nhân ái. Chân lý được sáng tỏ, nhưng lớn hơn cả đó là sự sáng tỏ của sự hồn nhiên, nhân hậu và lòng vị tha của những con người vùng cao.