- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Cuộc thi Chuyện đời tự kể 2007 nhận bài trong vòng một năm, từ 15-7-2007 đến hết 15-7-2008. Có 2.160 bài dự thi. Theo thông báo lúc ban đầu, chỉ có một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và năm giải khuyến khích. Nhưng do số lượng bài xứng đáng được nhận giải nhiều, nên ban tổ chức quyết định tăng thêm năm giải khuyến khích.
Có thể các con tôi không hiểu tại sao đã 50 tuổi mà mẹ của chúng lại thích ăn cơm nguội cục, chỉ riêng tôi mới hiểu do mình không thể bỏ được thói quen, hay đó là sự trừng phạt cho đến cuối đời... (Anh Hai ơi).
Tôi còi cọc sống nhoi lên giữa bộn bề vất vả. Nhà nhiều chị, nhưng các chị chỉ bồng anh trai tôi. Còn tôi lê lết giữa đất. Mỗi khi có con cá con tép mẹ bắt ở ngoài đồng về cũng dành phần cho anh. Quần áo của tôi chỉ là những đồ cũ thừa hưởng lại của các chị. Ký ức sót lại trong tôi là những bữa cháo rau má đắng nghét. Một bát tấm pha loãng trong nồi nước rồi băm rau má cho vào, xanh lét, đắng đến tận cổ. Tôi xin mẹ múc một nửa bát cháo trắng đừng có rau má, thấy giọt nước mắt mẹ hòa vào nồi cháo đang sôi lủng bủng (Ðứa con không mong đợi).
Ở tuổi 13, tôi chả hiểu vì sao mẹ đánh đập tôi đau đớn thế này (...)! Mẹ trói tay chân tôi vào bốn góc giường nằm úp, cứ thế mà đập. Những lúc bị đánh, tôi chỉ biết hả họng ra mà thở. Có lần mẹ xích tôi vào chuồng heo nhà người bác, đánh quá ác nên tôi bất động, mẹ kêu anh tôi xuống "xem nó còn sống không" (Thuốc nào cho tôi uống để quên).
Có những bản thảo mà khi cầm, tay của người đọc sơ khảo như muốn run lên, tim cũng muốn đập mạnh theo từng nỗi niềm đớn đau, buồn tủi hoặc ân hận, day dứt... của người viết. Ngoài những bài kể trên, còn có Cái đầu sài và chiếc quần thủng, Tuổi thơ khủng khiếp, Châm ngọn lửa câm lặng... là những chuyện đời tự kể đã tạo nên những con sóng cảm xúc trong lòng bạn đọc. Thư phản hồi tới tấp gửi về chia sẻ.
Không chỉ có hồi ức về những kỷ niệm không vui, chiếm tỉ lệ không nhỏ trong các bài dự thi là những câu chuyện về tình người, những giai đoạn gian khổ trong thời bao cấp, chiến tranh. Lãng mạn, dịu dàng nhưng cũng không thiếu chất bi tráng là câu chuyện về mối tình đẹp, chung thủy của một người vợ. Cho dù thời gian hạnh phúc được ở bên chồng quá ngắn ngủi, nhưng tình yêu ấy vẫn sống mãi trong tâm trí (Mùa xuân duy nhất). Hay câu chuyện của một anh bộ đội đã lấy thân mình che chở thương binh (Có một ngày 30 Tết Mậu Thân).
Cây bông sứ nhà nội đề cập một vấn đề khác hẳn: tình gia đình, thân tộc... tan tác vì chuyện đất đai. Hình tượng ba cây bông sứ tán lá rợp trời bị đốn bỏ, được tái sinh và lại biến mất trong cơn lốc xoáy vật chất, để lại trong lòng người đọc một cảm giác buồn dai dẳng. Cây kiểng trong vườn giờ không ai chăm sóc, cỏ dại khắp nơi chắn cả lối đi, mấy cây bông sứ trước nhà hết nở rồi rụng cũng chẳng ai buồn quan tâm. Cho đến giữa năm 1998 bà nội tôi mất, tôi còn nhớ người ta đã cho chít lên ba cây bông sứ những dải khăn tang trắng như nhắc nhở rằng người thật sự quan tâm đến chúng không còn nữa, chúng phải "tự bảo trọng" từ đây...
Tình mẹ con, cha con, anh em, chị em... được đề cập trong rất nhiều bài dự thi. Câu chuyện về tình thương bao la, sự hi sinh cao cả của mẹ... bao giờ cũng lay động lòng người: Chiếc áo dài của mẹ, Mẹ, Mẹ và ấu thơ... Nổi bật lên trong đó là hình tượng người mẹ chịu nhiều gian khổ hi sinh trong kháng chiến (Kể về mẹ).
Mỗi bài dự thi là một tác phẩm đặc trưng của từng cuộc đời, ban tổ chức đã gặp khó khăn khi chọn bài đăng báo và càng khó khăn khi phải làm động tác chọn bài trao giải. Kết quả thu được từ cuộc thi không chỉ là 16 bài được giải hay 101 bài đã chọn đăng, mà còn là cuộc giao lưu giữa bạn đọc và tờ báo, có chiều rộng, với hơn 2.000 tác giả, trải dài trong thời gian hơn một năm, và chiều sâu đồng cảm tâm hồn không thể đo đếm được.