- 44 Phố Tràng Tiền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
- info@savina.com.vn
- 02439348281
Vận chuyển toàn quốc
Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng
Bạn có thể im lặng được không, nếu...?!
Tâm sự sau khi vừa ra mắt cuốn sách phê bình văn học Bàn phím và... "cây búa"!, Nguyễn Hòa bảo: "Phê bình theo lối dùng “phất trần phủi bụi” không hợp với cái “tạng” của tôi, ít nhiều còn do tính cách nữa. Tôi riết róng với mọi sự khuất tất, cả đạo văn lẫn nghiên cứu nhì nhằng".
Tôi sẽ xấu hổ với chính mình nếu im lặng
- Vì sao anh lại lấy biểu tượng “cây búa” - dùng để “đánh”, “đập”, chứ đâu như họ ví anh là “người dọn vệ sinh văn chương” trong bối cảnh trò “đạo văn” và “đạo” đủ thứ đang tràn lan?
Nhà phê bình Nguyễn Hòa. |
- Nhiều người biết máy tính của tôi khi ở chế độ nghỉ lại xuất hiện dòng chữ “công ty vệ sinh môi trường văn chương”. Có thể hiểu dòng chữ đó là đùa cợt, cũng có thể hiểu qua đấy tôi muốn nhận trách nhiệm chỉ làm công việc của một “vệ sinh viên” chứ không phải của người sáng tạo.
Sáng tạo theo đúng nghĩa của nó là khó lắm, đòi hỏi nhiều phẩm chất không phải ai cũng được trang bị. Biết được một số tri thức đâu phải là đã biết tất cả. Nên tôi dị ứng với sự hợm hĩnh, với thói huênh hoang mà một số người trong giới nhà văn, nhà nghiên cứu nhiễm phải. Không biết bạn thấy thế nào, chứ nghĩ đến việc một ông thầy giơ tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn ra khoe trước cả lớp sinh viên là tôi đã thấy “khó ngửi”.
Nghĩ mình như “gạch nối” giữa hai thế hệ làm lý luận - phê bình, tôi chỉ mong tôi làm được vài điều có ý nghĩa, giúp vào việc giữ trật tự, để các bạn trẻ sau tôi được làm nghề trong một môi trường văn học lành mạnh hơn.
Còn “cây búa" chỉ là cách nói cho có hình ảnh, gây chú ý, không có ý định ví tôi như... cây búa với nghĩa đen trần trụi.
Vả lại, phê bình theo lối dùng “phất trần phủi bụi” quả là không hợp với cái “tạng” của tôi, ít nhiều còn do tính cách nữa. Tôi riết róng với mọi sự khuất tất, cả “đạo văn” lẫn nghiên cứu nhì nhằng.
Tôi quan niệm, nếu anh không đủ khả năng thì đừng làm tiến sĩ, đừng biến tấm bằng tiến sĩ thành phương tiện tiến thân; nếu anh không biết nghiên cứu có phương pháp, có ý tưởng hữu ích và thấu đáo thì đừng viết sách này sách kia, nhất là với người nổi tiếng.
Càng nổi tiếng càng phải thận trọng, đừng làm cho công chúng và người học ngộ nhận về các tri thức “giả”, về các công trình có giá trị lý luận - thực tiễn rất thấp, thực chất đó là các sản phẩm xúc đã phạm chứ không đem lại vinh quang cho khoa học. Lương thiện trí thức hay không, liêm sỉ nghề nghiệp hay không cũng từ đó mà ra.
Mất bao nhiêu công sức mới có được một tý chữ, nên tôi quý nó lắm, và tôi không thể im lặng khi phát hiện ai đó đã “ăn cắp chữ” mà không biết hổ thẹn. Chúng ta lo ngại về tình trạng “đạo văn” và “đạo” các thứ khác nữa, song nếu ai cũng không lên tiếng thì lao động sáng tạo sẽ đi đến đâu, hay là chấp nhận sự dung túng?
- Với Bàn phím và... “cây búa”!, anh muốn chuyển thông điệp gì đến giới văn chương và cả những người có chức danh khá cao quí khác trong giới học giả chữ nghĩa?
- Tôi không nghĩ tới thông điệp, tôi chỉ quan tâm tới việc cảnh báo, tới các nguy cơ nảy sinh từ hôm nay và hoàn toàn có thể đẩy tới hệ quả ở ngày mai, nếu con em chúng ta tiếp tục bị nạp vào đầu vài ba tri thức “dỏm”, vẫn kính cẩn trước mấy “thần tượng” có họ hàng với “đạo chích”.
Tôi nghĩ, chức danh, học vị liên quan trực tiếp đến khoa học, chỉ thuộc về những ai xứng đáng và tôi kính trọng các giáo sư, tiến sĩ mà tài năng của họ đã chứng minh chức danh, học vị của họ là đích thực.
Tuy nhiên, chức danh và học vị không phải là sự bảo đảm cho mọi sản phẩm làm ra. Chúng ta chưa có thói quen đọc các công trình nghiên cứu với tâm thế phản biện, chưa nói nếu phát hiện ra điều gì đó, người ta còn dễ cho qua vì vướng bận bởi các hệ luỵ ngoài khoa học.
Đã có một nghịch lý đáng quan ngại là trước đây, các học giả lớn hoàn thành các công trình nghiên cứu lớn bằng sự lòng yêu nghề, bằng sự tự ý thức về công việc. Họ không biết tới hai chữ “đầu tư” hoặc kinh phí nghiên cứu.
Ngày nay thì khác. Gần đây tôi trực tiếp được nghe một vị PGS. TS triết học nói thản nhiên: “Không có tiền thì làm sao nghiên cứu được” và tôi buồn. Không biết người ta nghiên cứu vì tiền hay vì tính hữu dụng của khoa học với cộng đồng mà người ta đang cộng sinh, chưa nói trí tuệ của người ta liệu có đủ trình độ để làm ra sản phẩm có chất lượng hay không mà đã vội nghĩ đến tiền?
- Anh gốc là “lính Nhà số 4” (tạp chí Văn nghệ Quân đội), "chất lính” - tính chiến đấu, có bao nhiêu phần trăm trong các bài viết của anh?
- Tôi viết phê bình với tâm thế của một người cứng rắn, không khoan nhượng với sự khuất tất, những các công trình khoa học có chất lượng lởm khởm. Vì tôi e ngại khuất tất và lởm khởm sẽ tạo ra “thần tượng giả” trong khoa học và nếu các nhà khoa bảng còn đem cái sự lởm khởm ra giảng dạy cho sinh viên nữa thì kinh quá.
Bạn sẽ nghĩ sao nếu biết một ông giáo sư Sử học đã viết rằng: “Nhân dân ta xưa, vì kính trọng Lý Bí nên kiêng luôn chữ “bí”, kiêng luôn cả việc gọi tên “quả bí” mà gọi là “quả bầu”...”?
Bạn sẽ đánh giá thế nào nếu tôi cho bạn biết là tôi đang nghi ngờ một phó giáo sư tiến sĩ đã “đồng loã” với tác giả của một cuốn sách để ca tụng ông ta là “bậc thầy” về tuỳ bút, sánh ngang với Nguyễn Tuân?
Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu tôi cung cấp cho bạn thông tin về những ông bà khoa bảng đã hướng dẫn hoặc “cho qua” các luận văn trong đó các thạc sĩ, tiến sĩ “đạo văn” vô tội vạ? Bạn có thể im lặng được không nếu biết có vị phó giáo sư trình bày một khái niệm khoa học mà trong đó có ba nội dung thì sai... hai?...
Tôi có thể dẫn lại vô số ví dụ để bạn có thể tin việc làm của tôi là đúng đắn và cần thiết. Đó không phải là “chiến đấu” mà là trách nhiệm nghề nghiệp, tôi sẽ thấy xấu hổ với chính tôi nếu im lặng trước những sự việc không thể chấp nhận trong hoạt động khoa học.
Đôi lần tôi nóng nảy, quá lời
- Anh có sợ khi quá “trực ngôn”, không loại trừ bất cứ ai trong tầm ngắm của anh?
- Tôi chỉ sợ duy nhất một thứ, đó là sự thật. Sự thật và liêm sỉ sẽ giúp mỗi người hiểu mình là ai và nên làm gì. Để phê bình, người ta có thể chọn nhiều thái độ khác nhau. Người thì mềm mỏng. Người thì “trực ngôn”. Người thì “nhờ nhờ”... Riêng tôi, tôi chọn sự “trực ngôn”.
Mà trực ngôn thì thường khó nghe, nhưng bạn ơi, nói đến như thế, viết đến như thế mà người ta có dè dặt hơn đâu. Vẫn khoe khoang các công trình ăn cắp, vẫn đăng đàn diễn thuyết này nọ, vẫn cao giọng dậy học trò phải thế này phải thế kia... Nếu phải tôi, tôi sẽ bỏ bút, bỏ bục giảng đi làm việc khác!
- Có khi nào anh cảm thấy mình đã sai khi nhìn nhận một vấn đề nào đó quá chủ quan, quá thiên kiến?
- Sai - đó là khả năng luôn có thể xảy ra nếu người ta chủ quan, mà chủ quan trước hết là do bị chi phối bởi lối nhìn nhận cảm tính và ảnh hưởng của “cái tôi cực đoan, phiến diện”.
Ý thức được điều này nên tôi luôn luôn cố gắng tìm một góc nhìn khách quan về đối tượng, dù đó là đối tượng phê bình hay đối tượng nghiên cứu, khách quan được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Mặt khác, tôi chỉ viết khi vấn đề đã được lật đi lật lại trong suy nghĩ, rồi lật đi lật lại khi viết thành bài. Tự mình phản biện mình, khi cần thiết còn nhờ một vài bạn bè trong nghề đọc, rồi phản biện hộ. Thật tình thì hầu như tôi chưa sai khi đặt vấn đề, khi lập luận và chứng minh, tôi chỉ hơi ân hận vì đôi lần đã tỏ ra nóng nảy, quá lời, trong khi lẽ ra không cần thiết phải như thế.
Điều này dễ gây phản cảm, dù tôi có phê bình đúng đến đâu. Tôi cố gắng để không bao giờ “tham”, song với “sân, si” thì khó thật, dẫu sao thì mình cũng là con người mà.
- Cảm giác của anh như thế nào sau khi một bài viết của anh (phê bình một ai đó, hay một vấn đề nào) tạo được dư luận?
- Viết nhiều thành ra tôi hơi bị “chai lì”, nên hỏi về cảm xúc của tôi sau khi một bài phê bình được công bố và tạo dư luận thì quả là rất khó trả lời. Thật ra, điều tôi quan tâm không phải là bài phê bình có tạo dư luận hay không, mà là kết cục sự việc ra sao.
Xét từ góc độ này thì cảm xúc của tôi thường là buồn, nếu không nói là có lúc chán nản. Vì hầu như việc làm của tôi chỉ có ý nghĩa tạo dư luận, chứ chẳng có ý nghĩa với các tác giả tôi đã phê bình.
Người ta vẫn “bình chân như vại”, chẳng thấy xấu hổ. Rồi người ta cố gắng điều tra tại sao tôi lại “bóc mẽ” chuyện đạo văn, thăm dò xem liệu đã có ai xúi bẩy hay không, thậm chí còn tung tin tôi “ăn tiền” để làm việc này việc khác... Nghĩa là vô khối chuyện theo tôi là rất hèn đã diễn ra ở phía “hậu trường”.
Chưa kể có ông vừa hung hăng tuyên bố: “Không đối thoại với thằng lưu manh” nhưng gặp tôi giữa đồng nghiệp là lập tức chạy ra tay bắt mặt mừng nhằm tạo ấn tượng: dù sao vẫn thân thiết với nhau.
Chưa kể những cú điện thoại, những lá thư gửi đến nơi có trách nhiệm để chơi trò “mách bố”, mà nếu diễn đạt bằng ngôn ngữ thì có thể hiểu là: “Tao không thèm nói chuyện với mày, tao mách bố mày, để bố mày cho một trận”!
- Sau Bàn phím và... “cây búa”!, anh có tiếp tục “búa” nữa hay không…?
- Có chứ, phải tiếp tục chứ, bỏ ra bao nhiêu công sức tìm đọc, sưu tầm tư liệu, đối chiếu, suy nghĩ, lập luận... để rồi cho qua hay sao. Thật sự thì nhìn mấy cuốn sách nghiên cứu linh tinh, mấy luận án đi “thuổng” của người khác tôi cũng thấy ngán ngẩm. Nhưng không sao cả, “đã mang cái nghiệp vào thân” rồi, tôi chẳng ngại!
- Xin cảm ơn anh!
Theo Hoài Hương - VTC News 17/11/2007