• Gợi ý từ khóa:
  • Sách kinh tế, sách giáo dục, sách kỹ năng, văn phòng phẩm, bút, đồ chơi…
Hết hàng

10 truyện ngắn chọn lọc Xuân Thiều

Mã sản phẩm: SP1448

 10 truyện ngắn chọn lọc của Nhà văn Xuân Thiều1. Tháng ngày đã qua2. Gió từ miền cát3. Người mẹ tội lỗi4. Thành phố thấp thoáng5. Truyền thuyết về quán tiên6. Xin đừng gõ cửa7. Mười ngày cho một đời8. Giao thừa bình yên9. Vùng rừng ẩm ướt10. Tiếng đấtXuân...
56.000₫
Hết hàng

Dịch vụ của chúng tôi

Vận chuyển toàn quốc

Thanh toán Online hoặc khi nhận hàng

Hết hàng


Chi tiết sản phẩm


 10 truyện ngắn chọn lọc của Nhà văn Xuân Thiều

1. Tháng ngày đã qua
2. Gió từ miền cát
3. Người mẹ tội lỗi
4. Thành phố thấp thoáng
5. Truyền thuyết về quán tiên
6. Xin đừng gõ cửa
7. Mười ngày cho một đời
8. Giao thừa bình yên
9. Vùng rừng ẩm ướt
10. Tiếng đất

Xuân Thiều đi vào nghiệp văn không đến nỗi muộn, nhưng ông không giống những người cùng lứa mới viết đã thành công ngay. Khi bạn đọc biết đến Hồ Phương qua “Thư nhà”, Nguyễn Khải qua “Xung đột”, “Mùa lạc”, Nguyên Ngọc qua “Đất nước đứng lên”, “Rẻo cao”, thì ông vẫn còn lận đận. Có lẽ người đọc bắt đầu chú ý tới ông từ truyện ngắn “Gieo mầm” được ký tên Nguyễn Thiều Nam và sau đó là truyện “Tâm sự chiến sĩ quản tượng”, truyện ngắn mà hồi còn chiến tranh được Liên Xô , Đông Đức chọn dịch. Trong đời văn của mình, Xuân Thiều viết nhiều thể loại: bút ký, ký sự, tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, truyện phim, thơ. Nhưng thể loại mà ông thành công nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất với người đọc là truyện vừa mà tập truyện chọn lọc này là tiêu biểu. Ông không phải là người viết nhiều. Vừa viết vừa dò, vừa nghe. Từ tốn, chậm chắc, cuối cùng ông đã tới cái đích của mình.

            Người đọc quý văn ông ở cái sự trăn trở đầy trách nhiệm. Tôi kính trọng ông ở tấm lòng và sức lao động của nhà văn. Cái câu “càng già càng dẻo càng dai” của cổ nhân quả không sai. Nó rất đúng vào trường hợp nhà văn Xuân Thiều. Đọc văn ông cảm nhận được trước hết là sức bền của ngòi bút. Có thể xem mỗi truyện là một mắt xích của chuỗi liên tục trong thể thống nhất. Thống nhát về hình tượng, về thế giới quan về bút pháp nghệ thuật.

            Qua mỗi câu chuyện được dựng lại dù theo cách kể trực tiếp hay gián tiếp, người đọc có thể nhận ra ngay ông là nhà văn giàu kinh nghiệm sống, từng trải với nghề văn. Càng về sau, văn ông càng đằm, càng sâu sắc trong ý tưởng và câu chữ. Đó là sự chắt lọc tinh tế những hiện thực cuộc sống bề bộn, là sự phân tích và lý giải các quy luật của chiến tranh, về tính tất yếu và sự trường tồn của một tộc biết chịu đựng, biết vươn lên để giành lấy quyền sống thiêng liêng của mình.

            Khác với những truyện vừa và truyện ngắn ông viết trước những năm 1975, ở tập truyện này Xuân Thiều đã cố gắng đi vào thế giới bên trong của đời sống nội tâm của các nhân vật để từ đó nhữgn biểu tượng nghệ thuật dần vươn tới một tầm khái quát, nhằm thức tỉnh ở người đọc về nhiều vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Hầu hết các truyện của ông tập trung vào đề tài giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Về hình thức, truyện của ông đều hướng về quá khứ: những kỷ niệm chiến đấu, những số phận con người, những tình yêu và kiếp đời dang dở… nhưng bên trong đó lại là những dự báo, những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với hiện tại. Cuộc chiến tranh đầy máu lửa suốt ba mươi năm vừa qua đi, nhiều mảnh đất quê hương vẫn chưa cạn hết đạn bom, vậy mà không ít người đã muốn quên đi. Thậm chí có người còn  mơ hồ nhận thức rằng “nếu ta không đánh Pháp, đánh Mỹ có lẽ bây giờ cũng vẫn giành được độc lập theo xu thế chung của thời đại”. Nhưng những người đó lại quên mất một điều, chính hai cuộc kháng chiến này đã góp phần tích cực tạo ra cái xu hướng đó. Từ xưa đến nay, tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược ở đâu và chưa bao giờ kẻ đi xâm lược lại tình nguyện trả lại cho đối phương đất đai mà họ xâm chiếm không có điều kiện gì cả. Các truyện của Xuân Thiều đã lý giải một cách nhất quán tư tưởng này. Ngòi bút ông không né tránh, trái lại khoét rất sâu vào những đau thương, mất mát của mỗi con người ở những bước ngoặt lịch sử. Qua đó người đọc có thể nhìn thấy rõ bản chất tội ác của chiến tranh, của kẻ xâm lược cũng như nhữgn kẻ phản bội lại chính nghĩa. Cuối cùng, để lại sau mỗi truyện là cái chất nhân văn đằm thắm. Sự thương yêu và quý trọng con người của ông đã truyền qua từng trang giấy đến với người đọc. Có khi nghẹn ngào, có khi nức nở… văn ông thực sự là tiếng nói của cõi lòng. Nó có sức mạnh cảm hoá người đọc ở cái lô gích nghệ thuật hoà tan vào lô gích cuộc đời.

            Giá trị tư tưởng của truyện sẽ là những bài giảng chính trị khô khan nếu nhà văn không có sự tìm tòi thủ pháp. Ở Xuân Thiều cần nói đến những đổi mới trong bút pháp nghệ thuật của ông so với các truyện ông viết trước đây. Ấy là cách dàn dựng, phương pháp miêu tả và chọn lọc chi tiết. Dường như mỗi truyện của ông đều có một cách thể hiện riêng, mỗi truyện đều có một kiểu tổ chức bất ngờ. Truyện Người mẹ tội lỗiGió từ miên cát có thể được coi là xuất sắc về cách dàn dựng. Các chi tiết được chọn lọc trong truyện đều rất  đắt và được “giấu kỹ” như những mũi quan trọng của một trận đánh. Bí mật, hóm hỉnh, bất ngờ luôn đan cài lẫn nhau trong miêu tả tâm lý và các sự kiện. Xuân Thiều đã phát triển hết mức tính đa nghĩa của các hiện tượng ngôn ngữ làm lợi thế. Đấy là cái lợi thế của ông đồ xứ Nghệ vốn hay chữ nghĩa, của một ông Tú Hói khá lão luyện về các “ngón chơi” nghệ thuật. Truỵên của ông có nhiều chỗ đọc rất hồi hộp, gay cấn bởi ông có một thủ pháp tạo tình thế rất giỏi. Cô Thảo trong “Người mẹ tội lỗi” đang trong tâm trạng hào hứng nhận được giấu gọi đi học bỗng bị trả về xã với lý lịch “cố vấn đề”. Cô bị tình là con một tên ác ôn. Câu chuyện trở nên rắc rối chính vì tính phức tạp của cuộc đấu tranh của nhân dân Mai Thuỷ thời Mỹ - Diệm. Vào thời ấy, ta và địch đan cài vào nhau. Giữa bí mật và công khai, giữa địch và ta đâu dễ dàng phân biệt. Để đảm bảo bí mật cho chồng, chị Kiều (mẹ Thảo) đã phải khai mình có thai với người khác, chấp nhận nỗi nhục về mình. Cáo sự éo le ấy chính là chỗ để sau này những kẻ lợi dụng dựa vào làm những chuyện bậy bạ dẫn đến cuộc tự sát của Thảo.

            Người đọc cảm thông với nỗi uất hạn của vợ chồng lão Cận. Hình ảnh lão Cận cơm nắm cơm gói lên tận Huế và sợ dây điện màu xanh Thảo lấy từ bảo tàng của xã ra thắt cổ tự tử chính là tiếng kêu thống thiết, là lời cảnh tỉnh sâu sắc của người dân lương thiện trước những bàn tay tội ác của những kẻ lợi dụng tổ chức,lợi dụng chức quyền. Những kẻ vì quyền lợi riêng đã chà đạp lên cả quá khứ, lên cả nhân phẩm thiêng liêng của con người.

            Cũng khai thác cái trận tuyến bên trong phức tạp của phía ta, “Gió từ miền cát” lại được cấu tứ theo một hướng ngược lại. Đó là sự hy sinh cái riêng của mình vì một cái khác cao hơn – là lợi ích của đồng đội. Ở đây tinh thàn nhân đạo chanchứa trong mỗi trang văn đã làmcho người đọc cảm thông sâu sắc với nỗi đau của chị Nụ, khi chị biết tin Thắm, người chị tin yêu và từng nuôi giấu ở hầm lại có một đứa con riêng với anh Dương, chồng chị. Nhưng lại càng cảm phục hơn khi người đọc chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa chị và kẻ “địch tình”. Ở đây sự cao thượng, lòng vị tha của con người đã vượt lên hết thảy. Sự cảm hoá của truyện chiíh là tính biệnchứng trong tính cách, trong sự chuyển hoá giữa các mặt đối lập trong tâm lý nhân vật. Ở vào hoàn cảnh bình thường lẽ nào người đọc lại không phẫn nội trước sự chung đụng của Thắm và Dương? Nhưng đây là chiến tranh. Trong những tình thế bất ngờ của nó, biết bao điều đã xảy ra. Xuân Thiều đã lựa chọn song hành các yếu tố tất nhiên và ngẫu nhiên để lý giải một cách thuyết phục mối tình tay ba rất éo le giữa những người đồng đội. Thành công của truyện chính là sau các cuộc rắc rối ấy mỗi nhân vật không xấu đi mà đều đẹp lên chính nhờ lòng vị tha, sự dũng cảm, chân thành ở mỗi con người. Tất cả đều nhìn thằng vào sự thật. Sự thật chát chúa nhưng vẫn thiêng liêng. Trong chiến tranh mỗi con người Việt Nam đều phải gánh chịu những mất mát, mất chồng, mất người yêu, mất con, mất vợ… Cha Dương có ba người con trai đều mất hết. Chị Nụ vợ Dương không còn sinh đẻ được nên cuộc chung đụng giữa Thắm và Dương vừa ngẫu nhiên vừa có tính tất nhiên, vừa đáng giận vừa đáng được cảm thông chính là vì vậy. Chị Nụ vượt qua nỗi đau riêng của bản thân để chấp nhận Thắm và đứa con của hai ngừơi cũng vì chị là người trong cuộc, đã trải qua nhiều nỗi đau, chị hiểu được nỗi đau sâu thẳm trong lòng bố chồng nên chị nén lòng chịu đựng, gắng sức vượt lên như đã từng vượt qua những thử thách trong cuộc chiến. Hành động của chị là kết tinh của sự nhân ái, của đạo lý mang màu sắc Á Đông rất đậm. Cũng vì nghĩa cử ấy mà sai lầm trong hện giữa Dương và Thắm được người đọc chia sẻ, thể tất và trân trọng. Kết cục là , dù sai lầm, dù ghen tuông… các nhân vật của Xuân Thiều vẫn đều có cốt cách rất đẹp. Ông thành công bởi cách miêu tả không cứng nhắc. Ông có lý vì ông đặt nhân vật đúng vào trong hoàn cảnh điển hình của cuộc chiến đấu dai dẳng và ác liệt, ở đó là nơi bộc lộ phẩm chất cao nhất của mỗi con người.

            Sự thu hút của các truyện kể trên không chỉ ở bố cục, ở cách dẫn chuyện khéo léo mà còn ở sự chắt lọc ngôn từ. Văn ông ít kể lể dài dòng mà có hàm ý rất cao ở mỗi đối thoại, ở mỗi dòng miêu tả. Nó có sự điềm tĩnh của một nhà nho, lại sắc sảo nhạy bén của một cây bút năng động. Tình yêu trong truyện được miêu tả đằm thắm nhưng vẫn chừng mực vừa đủ để phục vụ ý tưởng và thể hiện tính cách. Có thể nói đó là lối văn viết rất chắc và có chiều sâu. Vì vậy, đọc văn ông không thể chỉ theo dõi sự kiện mà cần phải ngẫm nghĩ. Càng ngẫm nghĩ mới càng hiểu cái sự tinh tế trong ý tứ và cách thể hiện của ông.

            Mặc dù cách đặt vấn đề và cách tiếp cận hiện thực ở mỗi truyện rất khác nhau nhưng truyện nào của ông cũng tạo ra được một dấu ấn riêng.

            Trong cả tập truyện, miêu tả trực tiếp cuộc chiến đấu của bộ đội ta là Vùng rừng ẩm ướt. Ở truyện này bố cục và cách dàn dựng của Xuân Thiều đi theo lối truyền thống. Vì vậy sự dồn nén tâm lý người đọc thực sự bắt đầu từ chi tiết ngẫu nhiên trong cuộc gặp gỡ giữa một nhà văn và anh lính đặc công trẻ tên Thái, là con người bạn cũ của mình. Dường như Xuân Thiều không miêu tả sự ngẫu nhiên là sự tình cờ mà ông muốn vươn tới một cái khác: Lấy cái ngẫu nhiên để cắt nghĩa cái tất nhiên. Cuộc chiến dằng dặc ba mươi năm, người người lớp lớp ra trận, gặp nhau ngẫu nhiên cũng là chuyện thường tình. Nhưng gặp Thái không phải là gặp một con người cá lẻ mà là gặp cả một thế hệ lịch sử. Một đất nước mà cha ngã xuống con lại đứng lên tiếp tục cuộc chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù thì làm sao uy vũ có thể khuất phục? Người đọc hồi hộp theo dõi kết quả của trận đánh xem Thái hy sinh hay chiến thắng trở về. Cuộc đấu tranh giữa cái chung và cái riêng trong con người nhà văn cũng chính là cuộc đọ sức giữa cái bình thường và cái cao cả, một sự vận động của tâm lý thường thấy ở cõi đời.

            Đáng chú ý có lẽ phải là truyện Tháng ngày đã qua. Ở truyện này người viết than gia trực tiếp vào truyện như kiểu viết hồi ký. Nó khác với kiểu viết mà “Tôi” là nhân vật trung gian giữa nhà văn và người được tái hiện trong truyện. Sức mạnh cảm hoá của nó là tính chân thật thì sự hạn chế lại ở chỗ rất khó bay bổng, thoát xác với sự biến hoá của tưởng tượng hư cấu. Cho nên trước hết cần đánh giá cao sự uyển chuyển trong ngòi bút của Xuân Thiều. Ông đã tái hiện thành công một thời kỳ sống động của lịch sử bằng lớp lớp các hồi ký chồng lên nhau. Câu chuyện như là lời tự bạch của chính tác giả, là sự tổng kết một chặng đường của những dò dẫm, chiêm nghiệm và định giá. Trong đó tiêu biểu là ông và Thể, người đồng đội gắn bó với nhau từ những năm đầu hoà bình cho đến sau giải phóng miền Nam. Với cách chia cắt thời gian đa chiều, với cách nhìn từ nhiều góc độ, ông là vị quan toá phán xử lòng mình cả những thành công và lỗi lầm quá khứ. Cách ký giả nghiêm khắc nhưng chân thành. Nhìn nhận sai lầm để tự vượt lên chứ không bỡn cợt hay bài khích như một vài tác giả viết về cải cách ruộng đất. Chính cái lẽ đó người đọc rung dộng và nhận được sự thuyết phục từ văn ông. Gấp sách lại người ta thấy có cái gì đó xót xa, ân hận và bàng hoàng nuối tiếc.

            Tính theo thời gian, những truyện Xuân Thiều viết càng về sau càng rất chắc, có độ sâu của từng trải cuộc đời từng trải nghệ thuật. Trong chừng mười năm gần đây ông đã có một số truyện vừa, truyện ngắn gây không ít xao động ở độc giả. Thậm chí còn gây ra cả những tranh cãi, bất đồng. Đó là truyện Truyền thuyết quán tiên, Xin dừng gõ cửa. Điều đó đủ thấy văn Xuân Thiều ở lúc lão niên đã không phai tàn, xuống sức, trái lại vẫn sung sức lì lẫm như những đợt sóng chìm. Nó làm cho người ta phải dè chừng. Một anh chàng vào tiệc rượu lúc đầu cừ lờ đờ chẳng ai để ý, nhưng càng uống thì càng tỉnh. Uống càng lâu người ta mới càng ngạc nhiên, cái anh cahngf ban đầu lờ đờ kia hoá ra lại là người chịu chơi đến tận cuối tiệc rượu. Thật đáng nể.

            Truyền thuyết quán tiên lúc mới trình làng quả có rất nhiều ý kiến. Đây là một truyện viết trực tiếp về cuộc chiến đấu của binh trạm giao liên thời chiến tranh. Vừa phải chiến đấu gian khổ với sự ác liệt của bom đạn, lại vừa phải chiến đấu với những khát vọng “rất Người” trong mỗi cá nhân. Đấy là nọi dung chính được Xuân Thiều triển khai bằng một kiểu bút pháp mới, khác hẳn mạch truyện viết về chiến tranh của ông trước đây. Trong đó ông cố gắng vận dụng những vốn sống và suy nghĩ từ hai cuộc chiến tranh dài đằng đẵng để cắt nghĩa, lý giải bản chất anh hùng ở người Việt Nam hiện đaị, thông qua nhân vật chính của truyện là các nữ giao liên. Bằng phương pháp miêu tả sống động, kết hợp giữa thực và ảo, giữa bản năng và ý thức, Xuân Thiều đã cho người đọc một cách nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về cuộc sống của những người lính giao liên.  Phẩm chất anh hùng của quân nhân cách  mạng, của dân tộc được nhận thức ở một chiều kích khác, có tầm sâu uyển chuyển và không cứng nhắc.

            Truyện “Xin đừng gõ cửa” viết theo bút pháp ám ảnh, qua nhân vật chính là trung tá Phan Nhân Hảo, về hưu mắc bệnh tâm thần. Ấn tượng của người đọc sau khi gấp sách rất đậm, nhưng cũng rất nặng nề. Đọc thoáng qua, đôi lúc có cảm tưởng về sự bế tắc và có một cái gì đó rất trắc ẩn về cuộc đời của một quân nhâ. Đọc kỹ sẽ tìm thấy ý tưởng tích cực của nhà văn, tựa hồ như kiểu trình bày của truyện vừa “Âm vang chiến tranh”. Nó là nỗi khắc khoải, là cái phần mất mát rất cần được cảm thông, chia sẻ ở tâm hồn trong sáng của người chiến sĩ bước ra từ cuộc chiến đấu phức tạp trong lòng địch. Ở đó trong cái thế cài răng lược giữa địch và ta, mọi thứ trắng đen đâu đã phải phân biệt được dễ dàng? Biết bao người anh hùng vô danh của chúng ta, vì nhiệm vụ thiêng liêng giải phóng tổ quốc, hoạt động trong lòng địch, khi ngã xuống hoặc bị thương phải chịu những thiệt thòi về sự hiểu nhẩm do hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh. Trong cái tầm nhìn ấy ta mới càng thấy kính trọn sự hy sinh vô cùng lớn lao của bút pháp kiểu dàn dựng của Xuân Thiều.

            Nói cho công bằng, Xuân Thiều không phải là người viết khoẻ và liên tục, nhưng người đọc vẫn nhận thấy ở ông có một sự dẻo dai và có sức bền của ngòi bút. Điều đó được thể hiện ở chỗ những chuyện ông viết càng về sau càng được nâng  lên về chất, về bút pháp miêu tả và cách thức dàn dựng. Truyện Giao thừa bình yên - truyện mới nhất được công bố vào năm 1997 là một câu chuyện tình thời chiến tranh có sức cuốn hút khá mạnh ngoài cái tên chưa thật hợp. Ở truyện này bạn đọc chưa hề thấy một dấu hiệu nào của sự già nua trong bút lực, trong sự cảm nhận cuộc sống của ông… Câu chuyện rất buồn, nhưng buồn trong vẻ đẹp, làm ta nhớ đến thấp thoáng cái vẻ đẹp trong con người của Dương Quý Phi. Càng buồn bao nhiêu, càng đẹp bấy nhiêu. Đây là một hướng khai thác tính thống nhất trong sự đối lập của tính cách con người. Bút pháp này đòi hỏi người viết phải rất uyển chuyển, nhưng cũng phải rất tỉnh táo. Uyển chuyển để thấy được tính biện chứng trong suy nghĩ, trong tình cảm, hành động của nhân vật. Tỉnh táo để mặt này khỏi lấn áp mặt kia, dẫn đến việc phá vỡ thế cân bằng thống nhất. Lý trí quá sẽ thành khô khan. Bản năng quá sẽ làm cho nhân vật mất đi sự làm chủ. Đó là điều khó nhất của lối viết này. Thế nhưng Xuân Thiều đã vượt qua được và ông thực sự thành công với các nhân vật chính của mình. Đó là “Tôi” tức Hàn trong truỵên và Mơ - người con gái đẹp nết, đẹp người đã không may gặp những cảnh ngộ éo le. Người đọc càng thấy bùi ngùi xót xa hơn nhưng cũng thấy kính trọng vẻ đẹp vô cùng trong sáng của tâm hồn người chiến sĩ từng một thời đi qua trận mạc.

            10 truyện ngắn chọn lọc của Xuân Thiều là một tập truyện có nội dung phản ánh khá phong phú và thể hiện những thành công trong cuộc đời sáng tạo của một nhà văn. Ở đó là cuộc đời, là lịch sử, là quá khứ hào hùng của cha anh và là hiện tại của chính mình. Cuộc đời là thế, chiến tranh là thế. Mấy chữ ấy được lý giải trong cách nhìn hết sức nhân ái của ông.

Hữu Đạt Tiến sĩ ngữ văn


Lên đầu trang
0 Xem giỏ hàng